Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ
(LĐXH)-Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội ghi nhận số người mắc thủy đậu gia tăng cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Đáng chú ý, nhiều trường hợp người lớn mắc thủy đậu có bệnh nền bị biến chứng.
Gia tăng số người mắc bệnh thủy đậu
Hiện nay, cả nước xuất hiện nhiều ổ dịch thủy đậu với nhiều ca mắc, biến chứng và đã có ca tử vong. Đặc biệt, nhiều người lớn có bệnh nền mắc thủy đậu bị biến chứng nặng. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Yên Bái ghi nhận người phụ nữ 42 tuổi tử vong do mắc thủy đậu kèm biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp.
Bệnh nhân mắc thủy đậu bị biến chứng phổ biến nhất là bội nhiễm da
CDC các địa phương cảnh báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc, chùm ca bệnh mới do thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, trong đó có thủy đậu.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, từ sau Tết đến nay, bệnh viện ghi nhận nhiều ca đến khám ngoại trú và những ca phải nhập viện do biến chứng thủy đậu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Số bệnh nhân mắc bệnh nặng tăng nhanh từ sau Tết. Trong đó, biến chứng phổ biến nhất là bội nhiễm da. Đa số các bệnh nhân nhập viện đều chưa tiêm phòng vắc xin trước đó.
Bác sĩ nội trú Đàm Thị Thanh Tâm, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân nữ (34 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) mắc thủy đậu biến chứng bội nhiễm da. Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và xạ trị khoảng một năm, điều trị lao phổi tháng thứ 3. Trước nhập viện 3 ngày, người bệnh xuất hiện sốt cao 38,5 độ C, gai lạnh, mệt mỏi, đau rát họng, ăn uống kém, sau đó nổi mụn nước rải rác toàn thân mình, chân tóc, mặt, vòm họng. Cùng ngày vào viện, người bệnh còn sốt, mụn nước hóa mủ đục nhanh, ngứa rát, mệt mỏi nhiều, cảm giác tức ngực, khó thở.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có hiện tượng giảm tiểu cầu, chỉ số viêm nhiễm trong máu (CRP) tăng, men gan tăng nhẹ, chưa tổn thương phổi. Bệnh nhân được điều trị thuốc kháng sinh, kháng virus, bôi thuốc tại chỗ, vệ sinh chăm sóc da, nâng cao thể trạng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được cho sử dụng thuốc hỗ trợ tế bào gan để hạn chế nguy cơ viêm gan cấp, suy gan nặng do đang dùng nhiều loại thuốc ảnh hưởng tế bào gan để điều trị bệnh lý nền. Nhờ được chăm sóc tích cực, tình trạng bệnh nhân dần ổn định. Bệnh nhân chưa từng tiêm vắc xin và không rõ lịch sử tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.
Bác sĩ Thanh Tâm cho biết thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Bác sĩ Thanh Tâm lưu ý khi bị thủy đậu, người bệnh cần được cách ly, điều trị đúng phác đồ, chăm sóc vệ sinh da đúng cách để mau khỏi bệnh, tránh các biến chứng và sẹo gây ảnh hưởng thẩm mỹ, giảm nguy cơ lây cho người khác và giảm chi phí điều trị.
Người dân nên tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, dấu hiệu nhận biết đặc trưng của thủy đậu là phát ban, nổi mụn nước nhỏ chứa đầy dịch, gây ngứa. Trong vài ngày, các mụn nước sẽ vỡ ra và rỉ nước, sau đó đóng vảy trước khi lành lại. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm virus. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vắc xin.
Để phòng bệnh thủy đậu, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, tránh lây nhiễm và biến chứng do bệnh. Vắc xin phòng thủy đậu hiện tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh. Lịch tiêm vắc xin thủy đậu gồm 2 mũi, khoảng cách tiêm tùy thuộc vào loại vắc xin và độ tuổi.
Theo các nghiên cứu, hai mũi vắc xin thủy đậu phòng được 88-98% nguy cơ mắc bệnh. Người đã tiêm thủy đậu nếu có mắc bệnh thường nhẹ và không gặp biến chứng. Người đã tiêm vắc xin nếu mắc bệnh thường nhẹ và ít gặp các biến chứng nguy hiểm. Vắc xin vẫn có khả năng bảo vệ với người vừa tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Tiêm vắc xin ngay khi tiếp xúc và không quá 3-5 ngày giúp người tiếp xúc gần phòng bệnh và giảm biến chứng không mong muốn.
Để phòng bệnh thủy đậu, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Cùng với đó, tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi để phòng bệnh, tránh lây lan. Khi mắc thủy đậu tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng./.
Nhật Hằng
Từ khóa:
bệnh thủy
vắc xin thủy đậu
-
Hà Nội tăng cường truyền thông về công tác dân số
26-11-2024 23:30 47
-
Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, hạn chế chênh lệch giới tính khi sinh
15-11-2024 23:23 33
-
Hà Nội xây dựng mô hình chuẩn về cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân
30-08-2024 23:17 21
-
Phát động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết" năm 2024
22-11-2024 18:20 58
-
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024
19-11-2024 23:41 15
-
Phương Đông Asahi chuẩn bị mở cửa đón khách với loạt ưu đãi hấp dẫn
17-11-2024 20:02 02
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01