Xã hội
Hình thành hệ thống cơ sở đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
05:46 PM 01/07/2021
(LĐXH)- “Mục tiêu của việc lập quy hoạch cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng là hướng tới hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công…".
Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tại hội thảo góp ý "Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được tổ chức sáng ngày 1/7/2021.
Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Cục Người có công, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cùng các chuyên gia và đơn vị tư vấn xây dựng Đề án.
Hội thảo được tổ chức tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng nuôi dưỡng, điều dưỡng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, cho rằng: Quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; phù hợp, thống nhất với định hướng chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030; phù hợp theo đặc điểm từng vùng, số lượng người có công được nuôi dưỡng tập trung, số lượng người có công được hưởng chế độ điều dưỡng của từng địa phương; đáp ứng được nhu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.
“Mục tiêu của việc lập quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần; là công cụ hiệu quả, hiệu lực của nhà nước để phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực chăm sóc người có công.” – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng việc lập quy hoạch phải đáp ứng được nhu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg, Bộ đã giao Cục Người có công chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch – Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan liên quan xây dựng Đề án quy hoạch nhiệm vụ nêu trên. Đến nay, theo kế hoạch, đơn vị chủ trì và đơn vị tư vấn đã triển khai các nội dung và định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng phù hợp theo đặc điểm từng vùng, cơ cấu và số lượng người có công với cách mạng, phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước, bảo đảm tính kế thừa, tính khoa học, thực tiễn trong các thời kỳ 2021 - 2025, 2026 - 2030, 2031 - 2050.
Chăm sóc người có công tốt hơn, khoa học hơn
Theo báo cáo, hiện cả nước có 695.480 người có công được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm với hai hình thức là điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. Bộ phận người có công với cách mạng hưởng chế độ điều dưỡng hai năm một lần khoảng 750.000 người.
Người có công với cách mạng đa số ở độ tuổi cao, sức khỏe yếu (người tham gia chống Pháp cũng đã trên 65 năm, tuổi đời trên 80 tuổi, tham gia chống Mỹ cũng trên 45 năm) tuổi đời gần 70 tuổi. Họ cần phải được hưởng chế độ điều dưỡng hằng năm với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn với số lượng thời gian, chế độ chăm sóc bồi dưỡng, điều trị sức khỏe cao hơn, tốt hơn, khoa học hơn.
Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi phát biểu tại hội thảo
Hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng hiện có  67 Trung tâm. Trong đó, có 33 Trung tâm thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng người có công (chỉ chuyên về điều dưỡng luân phiên cho người có công); 15 Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công; 13 Trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội; 6 Trung tâm lớn, thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng người có công.
Nhìn chung các trung tâm này có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu điều dưỡng người có công, tuy nhiên một vài công trình được đầu tư đã gần 20 năm, kinh phí duy tu, bảo trì hạn chế nên cũng đã xuống cấp. Cùng với đó, đa số đại biểu người có công tuổi cao, sức khỏe yếu, cộng với vết thương thực thể tái phát, ảnh hưởng chất độc hóa học, nên việc phục vụ gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ, viên chức và người lao động trong các Trung tâm có thu nhập thấp không bảo bảo đời sống gia đình...
Đánh giá về dự thảo Đề án quy hoạch, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí và cho rằng dự thảo Đề án quy hoạch đã bám sát vào nội dung lập quy hoạch theo Quyết định số 525/QĐ-TTg.
Về chi tiết của dự thảo, ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Vụ Kế hoạch – Tài chính, trao đổi: Dự thảo Đề án cần sà soát lại việc quy hoạch hệ thống các cơ sở của thời kỳ trước để đánh giá năng lực đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu? Chất lượng cung cấp dịch vụ và khả năng tiếp cận các dịch vụ như thế nào? Đồng thời cần chỉ ra được những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; làm rõ các liên kết vùng, liên kết các trung tâm giữa địa phương và Trung ương, cũng như liên kết với các cơ sở hạ tầng khác như Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, Trung tâm phục hồi chức năng của Bộ...
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng, quan điểm nhất quán về chính sách ưu đãi người có công đã được khẳng định trong các Nghị quyết Đại hội Đảng. Tại Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Đại diện đơn vị tư vấn xây dựng Đề án trao đổi tại hội thảo
"Do đó, việc quy hoạch hệ thống các cơ sở nuôi dưỡng người có công với cách mạng phải đáp ứng tối đa nhu cầu của các đối tượng, mức đạt chuẩn nhất định, theo hướng hiện đại. Tập trung đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, chú ý đến mô hình quản lý theo hướng mở" - chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng, tham góp ý kiến.
Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, khẳng định: Trong suốt 74 năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến các thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, các chính sách ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; đồng thời, ban hành, bổ sung, sửa đổi và ngày càng hoàn thiện hơn các chế độ, chính sách ưu đãi.
"Quy hoạch, phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng người có công với cách mạng trong giai đoạn tới phải theo hướng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho thương binh và người có công, cũng như cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến sắc đáng của các đơn vị và các chuyên gia. Thứ trưởng đề nghị Cục Người có công, cơ quan tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để khẩn trương hoàn thiện Đề án quy hoạch, trình Bộ. Đồng thời, đăng tải toàn văn dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến nhân dân; gửi lấy kiến góp ý của các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2021.

Chí Tâm

Từ khóa: