Xã hội
Huyện Lục Ngạn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người có công thoát nghèo
04:28 PM 26/04/2021
Huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) có hơn 1,8 nghìn người có công (NCC), trong đó không ít trường hợp là thương binh nặng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, huyện đã có cách làm hay hỗ trợ các gia đình chính sách thoát nghèo.

Thương binh nặng Hoàng Việt Hùng, thôn Mai Tô, xã Phì Điền là một trong những điển hình về nghị lực vượt khó. Trò chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ, tháng 2-1975, ông lên đường nhập ngũ. Trong một trận chiến đấu không may ông bị trúng đạn pháo của địch, cụt một chân cùng nhiều vết thương trên người. Sau khi xuất ngũ về địa phương, lập gia đình, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của ông và 4 con (người con trai cả bị di chứng chất độc màu da cam) đều dựa vào người vợ tần tảo. 

Cách đây 6 năm, vợ ông không may bị tai biến, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Với ý chí tự lực cánh sinh, vươn lên trong cuộc sống, gia đình ông trồng, chăm sóc hơn 100 cây vải thiều để có nguồn thu nuôi các con ăn học và ổn định cuộc sống. Năm 2017, gia đình ông được UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở. Năm 2018, ông được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trao sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng và lựa chọn tham dự đêm nhạc “Thời hoa lửa” tại Thủ đô Hà Nội.

Cán bộ xã Phì Điền thăm hỏi gia đình thương binh Hoàng Việt Hùng

Cùng đó, hằng năm, vào các dịp lễ, Tết hay vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều, các đoàn thể, cán bộ xã Phì Điền đều đến phụ giúp gia đình ông thu hoạch quả, chăm sóc vườn cây. Tuy còn khó khăn nhưng nhiều năm nay, gia đình ông không còn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. 

Bà Lê Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phì Điền cho biết, toàn xã hiện có 70 gia đình NCC, trong đó có 33 người được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng. Những năm qua, ngoài việc bảo đảm cấp đúng, đủ chế độ, UBND xã còn ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn và các hội, đoàn thể trực tiếp đến động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách trong xã phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Ông Đỗ Đại Long, khu Trần Phú, thị trấn Chũ cũng là thương binh nặng, mất hơn 81% sức lao động, bị nhiễm chất độc màu da cam, phải sống chung với mảnh đạn chèn dây thần kinh số 7 trong đầu. Trong khi đó vợ ông mắc bệnh tim, thường xuyên đau ốm khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. 

Năm 2018, gia đình ông Long được UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà ở. Vượt lên khó khăn, gia đình ông còn làm nghề phụ cho thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Với vai trò Hội trưởng Hội Thương binh nặng huyện Lục Ngạn, ông tích cực động viên các thương binh khác trên địa bàn phát triển các mô hình kinh tế để có thêm nguồn thu.

Theo UBND huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có hơn 1,8 nghìn NCC với cách mạng. Nhằm hỗ trợ các hộ NCC có thêm điều kiện thoát nghèo, huyện đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ NCC. 

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, toàn huyện có 334 hộ NCC được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Chương trình giúp gần 100% số hộ NCC trên địa bàn có nhà ở kiên cố, thoát nghèo. Hằng năm, UBND huyện còn trích hàng chục triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện giúp NCC mua sắm thiết bị, đồ dùng gia đình; hỗ trợ đột xuất NCC khám, chữa bệnh... 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện khẳng định: “Bằng các giải pháp trên, đến nay, toàn huyện chỉ có một trường hợp bố liệt sĩ ở thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia còn nằm trong danh sách hộ nghèo của huyện vì chưa có nhà ở kiên cố. UBND huyện đã có kế hoạch hỗ trợ 100 triệu đồng, các đoàn thể xã hội của xã cũng hứa giúp đỡ ngày công xây dựng nhà, mua sắm thiết bị; đồng thời vận động gia đình sớm xây dựng nhà, phát triển kinh tế để thoát nghèo". 

Thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tiếp tục tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, giúp đỡ NCC về mọi mặt để ổn định cuộc sống./.

PV

 

Từ khóa: