Xã hội
Huyện Năm Căn: Chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
02:31 PM 03/09/2022
(LĐXH) – Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau để lại vẫn còn dai dẳng, nhất là với những người mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin. Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam chính là sự quan tâm sẻ chia, hỗ trợ thiết thực của toàn xã hội.
Thời gian qua, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng tổ chức vững mạnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC/Dioxin) huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau luôn tâm đẩy mạnh phong trào “Hàng động vì nạn nhân da cam”, như: vận động nguồn lực xã hội để chăm lo giúp đỡ nạn nhân về nhà ở, học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, trợ giúp tiền, vật chất, nhằm giúp đỡ một phần để nạn nhân vượt qua khó khăn, đau bệnh, hòa nhập cộng đồng.
Trong số cán bộ đang công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/dioxin) trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có không ít người là nạn nhân chất độc da cam, đang chống chọi với bệnh tật. Dẫu vậy, họ đã vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực cống hiến với mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ vơi bớt nỗi đau.
Thăm, tặng quà gia đình ông Mai Văn Chà
Điển hình như vợ chồng ông Mai Văn Chà và bà Lê Thị Buối ở khóm 8, thị trấn Năm Căn là gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 3 khẩu thì có 2 người là nạn nhân CĐDC/Dioxin, đó là ông Chà và con là Mai Văn Mỹ.
Sinh ra ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Tháng 2 năm 1965, ông tham gia kháng chiến tại địa phương từ năm đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975. Trên 10 năm hoạt động cách mạng, hòa bình lập lại, trở về cuộc sống đời thường, không đất đai, không tư liệu sản xuất ông lao động tự do, rồi lập gia đình, sinh con.
Đến năm 1990, gia đình ông chuyển đến thị trấn Năm Căn mưu sinh cho đến nay. Năm 2013, hộ ông được xét tặng nhà tình nghĩa. Bên cạnh việc hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước, gia đình ông được chính quyền địa phương quan tâm tặng quà của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm mỗi dịp lễ, tết. Nhờ được sự quan tâm đặc biệt đó, nên dù tuổi cao, sức yếu vợ chồng ông vẫn chăm chỉ bươn trải kiếm thêm thu nhập, bằng nghề bán vé số. Dù thu nhập trên dưới 100 ngàn đồng/ngày, nhưng đây là số tiền quý báu có được từ sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp.
“Chính quyền địa phương rất quan tâm đến gia đình tôi. Ngoài việc thăm tặng quà định kỳ, nhiều lần có các đoàn từ thiện đến hỗ trợ quà cũng cho hay đến nhận. Tôi rất cảm ơn. Bây giờ tôi cũng già, nhưng vì cuộc sống tôi còn đi bán vé số nổi ngày nào thì bán”, ông Mai Văn Chà tâm tình.
Công tác chăm lo cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được huyện Năm Căn quan tâm thường quyên
Bà Phạm Thị Khuyên, Bí thư Chi bộ khóm 8, thị trấn Năm Căn cho biết, gia đình anh Mai Văn Chà và chị Lê Thị Buối có hoàn cảnh hết sức khó khăn, anh chị hết tuổi lao động chỉ đi bán vé số. “Anh thì rất siêng năng, đi bán hầu như giáp hết thị trấn Năm Căn bằng xe đạp cũ, còn chị thì bán gần nhà, để còn chạy tới lui chăm sóc đứa con bị bệnh. Anh chị có sự phấn đấu rất lớn, chứ không phải nghỉ ngơi rồi cái gì cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, bà Khuyên bộc bạch.
Hiện nay, huyện Năm Căn có 985 nạn nhân bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó, có 170 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, 431 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Đến nay, huyện đã vận động xây dựng mới 113 căn và sửa chữa 14 căn nhà cho đối tượng này. Ngoài ra, để có nguồn lực chăm lo cho nạn nhân, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo vận động quỹ hội, đồng thời công nhận điều lệ sử dụng quỹ theo quy định.
“Hàng năm ban chỉ đạo có thư ngõ, Huyện hội trực tiếp đi vận động, bình quân mỗi năm được từ 50 đến 60 triệu quyên góp vào quỹ. Số này dùng để thăm hỏi, tặng quà định kỳ 2 lần/năm, vào dịp Tết nguyên đán và Ngày thảm họa da cam 10/8 hoặc xây dựng và sữa chửa nhà cho nạn nhân. Ngoài ra, những đối tượng không được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên và trợ cấp bảo trợ xã hội Huyện hội phối hợp với Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồi côi và các ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn vận động tặng quà khi khó khăn”, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Lê Xuân Thái, cho biết thêm.
Có thể nói “Nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Bởi họ là những người đã và đang vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo và di truyền sang đời con, đời cháu. Do đó, chăm sóc nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài vì hậu quả của nó để lại di truyền từ đời này sang đời khác. Sự giúp đỡ tuy không to lớn về mặt vật chất nhưng đã làm dịu đi nỗi đau bệnh tật, rút ngắn khoảng ngăn cách giữa nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam với xã hội. Họ rất cần  sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng để bớt đi sự mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Khánh Quyên

Từ khóa: Huyện Năm Căn