Quản trị nguồn nhân lực xanh
Gần đây, nhiều người quan tâm đến chủ nghĩa môi trường trên toàn cầu hay việc tìm kiếm câu trả lời câu hỏi do Bunge et al. (1996), đặt ra. Cụ thể là: “Quản lý nguồn nhân lực có vai trò gì trong việc ngăn ngừa ô nhiễm không?”.
Quản trị nguồn nhân lực xanhViệc được coi là thân thiện với môi trường là điều quan trọng trong việc thu hút nhân tài chất lượng cao, đặc biệt là vì những công ty, tổ chức như vậy thường nhận được những ứng viên có trình độ và động lực làm việc tốt hơn.
Có lẽ đâu đó chúng ta đã nghe một số khái niệm như: Phát triển năng lực xanh là thế nào? (Thu hút và phát triển nhân tài tài năng). Làm sao để tạo động lực cho nhân viên xanh? hay cung cấp Cơ hội Xanh (Sự tham gia của Nhân viên (EI)). Vậy trong tương lai, Quản trị nguồn nhân lực xanh sẽ có những khuynh hướng nghiên cứu như thế nào?
Theo PGS.TS. Trần Kim Dung và TS.Trần Trọng Thuỳ (2023): “Quản trị nguồn nhân lực (HRM) và hệ thống các triết lý, chính sách và hoạt động chức năng về thu hút, đào tạo – phát triển và duy trì con người của một tổ chức nhằm kết hợp đạt được mục tiêu chiến lược của tổ chức và thoả mãn nhu cầu hợp lý ngày càng cao của người lao động”.
Theo Mahdy et al (2023): Quản trị nguồn nhân lực xanh (GHRM) bao gồm một tập hợp các chính sách và thực tiễn nhằm bảo vệ lực lượng lao động, bảo toàn vốn tri thức và thúc đẩy các phương pháp thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí.
Tài liệu nghiên cứu
Theo scopus tổng số bài nghiên cứu về Quản trị nguồn nhân lực xanh từ năm 1989-2024 viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh có 781 bài được nghiên cứu trong nhóm lĩnh vực Kinh doanh, Quản lý và Kế toán. Bài nghiên cứu đầu tiền công bố năm 1989.
Biểu đồ tài liệu theo nguồn
Như vậy, nghiên cứu về Quản trị nguồn nhân lực xanh chỉ mới bắt đầu nghiên cứu từ năm 1989 và tăng nhanh vào những năm gần đây.
Trong đó, Tạp chí Journal Of Cleaner Production có 105 bài, nghiên cứu mạnh từ năm 2018-2024, với đỉnh điểm năm 2021 là 20 bài. Tạp chí International Journal Of Manpower có 30 bài, trong đó năm 2020 công bố 12 bài, năm 2022 công bố 13 bài. Tạp chí Business Strategy And The Environment có 24 bài, bắt đầu năm 2018 với 1 bài và đỉnh điểm năm 2023 với 10 bài. Corporate Social Responsibility And Environmental Management công bố 20 bài cũng bắt đầu từ năm 2018. Tạp chí quốc tế về quản trị nguồn nhân lực (International Journal Of Human Resource Management) bắt đầu công bố từ năm 2013 với 1 bài, đỉnh điểm là năm 2016 với 9 bài và tính đến 2023 có tổng 17 bài.
Ngoài ra, còn lại các tạp chí khác như Benchmarking có 15 bài, International Journal Of Hospitality Management có 10 bài, và nhiều tạp chí khác nhưng số lượng không đáng kể.
Trong số các bài nghiên cứu, tác giả Jabbour, C.J.C. và tác giả Yusliza, M.Y. có nhiều đóng góp trong nghiên cứu này nhất là 19 bài cho mỗi tác giả; tác giả Chiappetta Jabbour, C.J. có 11 bài; tác giả Renwick, D.W.S. có 10 bài; tác giả Paillé, P. có 9 bài; Pham, N.T., Ren, S., Yong, J.Y. mỗi tác giả đóng góp 8 bài; tác giả Ramayah, T. và Tang, G. mỗi tác giả có 7 bài. Các tác giả còn lại có số lượng công bố ít hơn.
Nhiều công bố nhất là Trường Đại học Malaysia Terengganu với 33 bài, đến đại học Sains Malaysia có 22 bài.
Số nước có công bố nhiều nhất là Trung Quốc với 123 bài, đến Malaysia có 94 bài, vị trí thứ 3 là Ấn Độ có 91 bài, Anh có 82 bài, Mỹ có 80 bài, Pakistan có 78 bài, Úc 53 bài, Pháp 47 bài, Brazil có 37 bài, Indonesia có 33 bài, Ý có 31 bài, Saudi Arabia có 27 bài, Canada – Tây Ban Nha- Thổ Nhĩ Kỳ- Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất cùng có 22 bài còn lại các nước khác có số bài công bố không đáng kể, trong đó có Việt Nam.
Phân loại theo tài liệu công bốVề Quản trị nguồn nhân lực xanh này, Việt Nam có 11 bài cũng tương đối mới và khá ít nghiên cứu về vấn đề này.
Trong số các nghiên cứu, nhiều nhất là bài báo với 586 bài, chiếm 75,0%; 67 chương sách chiếm 8,6%; báo hội nghị 60 bài, chiếm 7,7%; 33 bài phê bình (review), chiếm 4,2%; sách 12 cuốn, chiếm 1,5% và bài phê bình hội nghị (Conference Review) có 8 bài, chiếm 1.0%, còn lại không đáng kể.
Lĩnh vực Business, Management and Accounting và Medicine nhiều nhất với 781, chiếm 41.10% và nghiên cứu này cũng giới hạn nghiên cứu trong nhóm lĩnh vực Kinh doanh, Quản lý và Kế toán.
Khuynh hướng nghiên cứu trong tương lai
Các câu hỏi nghiên cứu cho các nghiên cứu trong tương lai về Quản trị nguồn nhân lực xanh (GHRM), bao gồm:
• Những chính sách và thực tiễn GHRM nào được sử dụng bởi các tổ chức ở các nước? Chúng có thể khác giữa các nước châu á và các nước ở các nước phương Tây như thế nào? Và những tác động là gì?
• Ai nên tham gia vào việc thiết kế bộ chính sách và thực tiễn GHRM sẽ được sử dụng bởi tổ chức?
• Cách tốt nhất để thu hút nhân viên tham gia vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) môi trường là gì?
• Các tổ chức có nên truyền bá các chính sách và thực tiễn GHRM của họ trên chuỗi cung ứng của họ không, và nếu có, làm thế nào?
• Vai trò của HRM trong việc giải quyết những đóng góp của tổ chức trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu là gì?
• Cách tốt nhất để quảng bá GHRM trên các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia khác nhau là gì?
Kết quả của nghiên cứu gồm có: câu hỏi nghiên cứu cho các nghiên cứu trong tương lai về Quản trị nguồn nhân lực xanh.
Theo số liệu từ trang scopus tổng số bài nghiên cứu về Quản trị nguồn nhân lực xanh từ năm 1989-2024 viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh, được giới hạn nghiên cứu trong nhóm lĩnh vực Kinh doanh, Quản lý và Kế toán có 781 bài, bắt đầu nghiên cứu từ năm 1989 và tăng nhanh vào những năm gần. Các nghiên cứu được đăng phổ biến trên 5 tạp chí lớn và một số tạp chí khác.
Hiện tại, Việt Nam chỉ mới manh nha nghiên cứu về Quản trị Nguồn nhân lực xanh với 11 bài công bố, con số này vẫn còn rất sơ khai. Vì vậy, trong tương lai, kỳ vọng con số nghiên cứu này của Việt Nam sẽ tăng mạnh và vận dụng vào thực tiễn các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.
Ths. Phan Thị Kim Mai
Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Hàng Không Việt Nam