Tôi tốt nghiệp Khoa Toán - Đại học sư phạm Hà Nội năm 1981, cũng đã từng trên mười năm đứng lớp, sau đó chuyển ngành, tôi vẫn nghiên cứu về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất là các chuyên đề về gia đình, trẻ em, về đạo đức học sinh, về kỹ năng mềm, về vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục trẻ em…
Tại sao khi ra đường, ai cũng nói rằng văn hóa giao thông kém đến thế, tại sao nhiều người kêu ca đạo đức xã hội xuống cấp đến như vậy? Tại sao lại có hiện tượng cha giết con, vợ giết chồng, bạo lực gia đình, người lớn xâm hại trẻ em, trẻ em xâm hại trẻ em…Lỗi này do đâu? Theo tôi suy cho cùng gốc của mọi vấn đề là do giáo dục.
Thế giới nói nhiều đến 4 thành tố của Giáo dục, chính là mô hình KABS, viết tắt từ 4 chữ cái đầu của tiếng anh: kiến thức (Knowlede), kỹ năng (Skill), hành vi (Behaviour), thái độ (Attitude). Làm tốt 4 thành tố này sẽ tạo nên nhân cách con người.
Nói gọn lại là 3 thành tố rất quan trọng của giáo dục: kiến thức, kỹ năng và thái độ (còn hành vi có thể đưa vào thái độ, bởi vì hành vi thường là biểu hiện của thái độ).
Trong dạy học, khi soạn giáo án, bất cứ môn gì dù là toán, văn, ngoại ngữ hay thể dục… nói về mục tiêu một bài giảng, bao giờ giáo viên cũng phải nghiên cứu rất kỹ bài giảng và phải nêu cho được trong giáo án: qua bài giảng đạt được mục tiêu gì về kiến thức, mục tiêu gì về kỹ năng và mục tiêu gì về thái độ (những điều này đã được học rất kỹ càng trong môn phương pháp giảng dạy trong Trường Đại học Sư phạm). Giao của kiến thức và kỹ năng tạo nên khả năng của mỗi người, còn năng lực của mỗi người là giao của kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Hình như trong thay đổi cách học, cách dạy hiện nay mới chỉ quan tâm nhiều đến kiến thức, tức là mới chỉ được một trong ba, còn kỹ năng ít quan tâm và thái độ thì càng ít nữa. mà trong tổng kết UNECO về thành công của mỗi con người: Kiến thức 4% + Kỹ năng 26% + Thái độ 70% (nói thái độ ảnh hưởng tới 70% thành công của mỗi con người, chắc mọi người chưa tin lắm, vậy mời mọi người xin nghe tóm tắt câu chuyện sau: Có một chàng thanh niên đi câu cá về, gặp người ăn mày, anh đã thương tình cho vài con cá. Tối ấy về, anh khoe với mọi người, các bạn anh ta nói rằng, muốn giúp người ăn mày thì phải cho họ cái cần câu chứ. Ngày thứ hai khi đi câu về, anh ta cho người ăn mày cả cá và cần câu. Tối ấy anh ta vui lắm và kể với mọi người. Có một người bạn nói, anh làm vậy vẫn chưa được đâu, cho cần câu rồi, họ biết câu thế nào, anh phải dạy cho họ kỹ thuật câu, cách làm mồi, cách câu, cách chọn nơi câu…và ngày thứ ba ngoài việc cho cá, anh ta còn giảng giải cất kỹ càng về kiến thức và kỹ thuật câu cá. Tối ấy anh ta thật sự vui vì đã làm hết sức mình giúp người ăn mày kiếm sống. Trong bữa cơm ấy có một cụ già nói, anh làm vậy vẫn chưa được đâu, anh thanh niên rất ngạc nhiên và hỏi lại cụ già tại sao vậy. Cụ già nói, chiều mai khi đi câu về, gặp người ăn mày, cháu sẽ rõ. Ngày thứ tư , trên đường đi câu về anh vô cùng ngạc nhiên vì người ăn mày vẫn ngồi đấy, người thanh niên hỏi, cháu làm mọi thứ giúp bác mà tại sao bác không đi câu. Người ăn mày nói, bác không câu được đâu, nhà bác 4 đời đi ăn xin rồi, bác chỉ đi ăn xin được thôi. Tối ấy anh thanh niên buồn lắm, cụ già tối hôm trước nói rằng, cháu thấy ông nói đúng không. Người thanh niên nói, cháu cảm phục ông, mà ông ơi tại sao vậy? Cụ già nói, mặc dù cháu đã dạy cho người ăn mày đó rất kỹ càng về kiến thức và kỹ năng câu cá, nhưng ông ta thiếu một cái rất quan trọng đó là thái độ, mà giáo dục thái độ không phải ngày một ngày hai, đó phải liên tục, lâu dài như mưa phùn thấm sâu, đôi khi phải mất cả cuộc đời cháu ạ…).
Như vậy, nếu trên ghế nhà trường chỉ quan tâm đến kiến thức, mà bỏ qua kỹ năng và thái độ thì đương nhiên nhân cách hình thành sẽ méo mó, lệch lạc, không thành hình hài. Giao thoa của 3 thành tố kiến thức, kỹ năng và thái độ sẽ tạo nên năng lực của mỗi cá nhân để có thể ứng phó với mọi điều trong cuộc đời. Như giáo sư Herbert Spencer từng nói: “Mục đích tối thượng của giáo dục không phải là kiến thức mà là hành động” Tiến sỹ John G.Hibber đã khẳng định “Thước đo sự giáo dục của một con người chính là khả năng ứng xử của anh ta trước những tình huống của cuộc sống”.
Điều đó càng thấy rằng khi học sinh nhìn thấy các bạn đánh nhau sẽ ứng xử thế nào: đứng nhìn, cổ vũ hay can ngăn đều do từ giáo dục. Khi tắc đường: từ tốn nhường nhau, hay chen lấn, xô đẩy, đi lên vỉa hè đều liên quan đến giáo dục.
Giáo dục hiện nay, mọi người đều biết theo chương trình VNEN chắc là thất bại, vì áp dụng một cách máy móc vào Việt Nam. Bởi vì Dự án VNEN (Ngôi trường học mới Việt Nam), bắt nguồn từ Trường học mới (Escuela Nueva) của Colombia, nam Mỹ do bà Vicky Colbert sáng lập năm 1975 để áp dụng cho vùng nông thôn. Rất tiếc tại Nhật Bản có nền giáo dục tốt, rất gần với Việt Nam mà lại không được học tập và áp dụng.
Tôi cho rằng, trong dạy học phải bắt đầu từ người thầy, thầy phải giỏi (ít nhất là biết mười dạy một). Không phải bài học nào cũng dạy theo nêu vấn đề hay thảo luận nhóm… Tùy từng môn, tùy từng bài, cho phép tổ trưởng chuyên môn phê duyệt xem bài đó dạy theo phương pháp nào: thuyết trình, nêu vấn đề, thảo luận nhóm, cùng tham gia… hay tổng hợp các phương pháp, miễn là như trên tôi đã nói bài đó phải đạt được ba mục tiêu rõ ràng về kiến thức, kỹ năng và thái độ và ba mục tiêu này nêu ra phải được đồng nghiệp tâm phục khẩu phục. Đặc biệt khi kiểm tra giáo án của giáo viên thì lãnh đạo nhà trường ngoài việc quan tâm đến mục tiêu về kiến thức, mục tiêu về kỹ năng thì cần đặc biệt quan tâm đến mục tiêu bài giảng đạt được điều gì trong giáo dục thái độ cho học sinh.
Việc hình thành thái độ (nhân cách) cho học sinh không thể chỉ dựa vào vài tiết giáo dục công dân trong trường, mà từ tất cả các bài giảng, từ mọi thầy cô giáo và cán bộ trong trường học (thế mới gọi là dạy người trước khi dạy chữ và thông qua dạy chữ để dạy người) và đúng với lời dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Không ít trong trường học môn giáo dục công dân, nhiều nơi đã giao khoán cho giáo viên chủ nhiệm, phương pháp và nội dung không đổi mới, trở thành nhàm trán, sáo rỗng, hình thức, rồi dẫn đến các em không thích học môn này, các thầy cô môn khác lại xin giờ giáo dục công dân để dạy các môn toán, văn, ngoại ngữ…
Một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa là: cái gốc, cái ban đầu non nớt, nhất là giáo dục mầm non ta lại xã hội hóa, đến khi vào cấp I lại được phổ cập. các cụ đã nói : “dạy con từ thuở còn thơ” hay là “bé không vin, lớn gãy cành”. Giống như xây một ngôi nhà, nếu gia đình ít tiền, thì ta tập trung làm cái móng thật tốt và vững chắc đã, sau đó nếu hết tiền thì trên cái móng vững chắc ấy có thể làm nhà tre thôi, rồi sau đó mỗi năm, khi có tiền làm thêm 1 tầng cũng không sao, dần dần sẽ ngôi nhà vững chắc để chung sống lâu dài. Nếu thấy ít tiền mà làm cái móng qua loa đại khái, thế thì dù sau này các tầng có đẹp đến đâu cũng không thể vững chắc, không biết cái nhà ấy chịu đựng được bao cơn phong ba, bão táp. Muốn sửa lại ngôi nhà này chắc phải đập cả móng mất thôi, thật tốn kém, nhưng vẫn làm được. Nhân cách con người đâu đập phá làm lại như ngôi nhà được. Thử hỏi các các cháu học sinh bậc mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) không được giáo dục và hình thành nhân cách một cách đầy đủ, đúng đắn, thì sẽ ảnh hưởng biết bao thế hệ sau này. Hiện nay, theo tôi cách đi trong giáo dục của ta chưa được: Giáo dục mầm non cần phổ cập, thì lại xã hội hóa. Ta lại đi làm phổ cập giáo dục tiểu học trước. Ngành giáo dục đang tham mưu để tiếp tục phổ cập 5 tuổi và phổ cập Trung học cơ sở. Như vậy ta muốn làm một cái nhà đẹp, trên một cái móng chắp vá, không vững chắc.
Hiện nay, bậc học mầm non đang xã hội hóa, như vậy con các gia đình khá trở lên mới đủ khả năng cho con vào học các trường mầm non ngoài công lập (nhà trẻ và mẫu giáo); số đông còn lại là con công chức viên chức trẻ, thu nhập thấp, đặc biệt là con công nhân, thì cố gắng lắm cũng chỉ đủ tiền gửi con ở nhóm trẻ gia đình, hoặc không thì cho con về ở với ông bà ở quê…Các cháu độ tuổi nhà trẻ, mầm non ở dưới quê với ông bà, hay vào các nhóm trẻ gia đình thì làm sao các cháu được giáo dục đầy đủ bởi vì ông bà thì không được học đầy đủ, các mẹ tại nhóm trẻ gia đình cũng không được đào tạo bài bản, dẫn đến các cháu thiếu đủ thứ, ngay cả ăn thế nào cho đủ dinh dưỡng cũng không biết, dẫn đến con người Việt Nam cứ thấp còi mãi là nhẽ đương nhiên (theo báo cáo 24% trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng dạng thấp còi).
Tôi nhớ mãi khi Nhà nước ta bàn về trẻ em dưới 6 tuổi khám chữa bệnh không mất tiền, lúc đó rất nhiều ý kiến khác nhau vì phải chi ngân sách ra hơn ngàn tỷ mỗi năm. Khi đó Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ nói một câu: Nước ta còn nghèo, chủ nghĩa xã hội chưa đến với người lớn thì hãy để cho đến với trẻ em. Sau đó được biểu quyết thông qua. Đây là vấn đề vô cùng quý giá về công bằng xã hội (mọi trẻ em dưới 6 tuổi, trong mọi hoàn cảnh dù giàu hay nghèo, mọi dân tộc, đều được khám chữa bệnh không mất tiền).
Tôi tha thiết mong muốn rằng giáo dục mầm non cũng được như vậy. Đất nước ta còn nghèo theo tôi nên giải quyết như sau: Ngân sách nhà nước cấp cho ngành giáo dục không thay đổi, nhưng phải thay đổi cơ cấu đầu tư trong ngành giáo dục, với phương châm, dành nhiều đầu tư cho cấp thấp, càng lên cao càng xã hội hóa nhiều hơn. Như vậy sẽ cắt giảm đầu tư cho đại học và phổ thông trung học để tăng cường đầu tư cho giáo dục mầm non (theo tính toán của một số chuyên gia, để phổ cập mầm non cần chi chí trên 1 ngàn tỷ đồng mỗi năm).
Khi đó mọi trẻ em trong độ tuổi vào hệ thống nhà trẻ, lớp mẫu giáo không phải mất tiền. Đó là thể hiện công bằng xã hội là mọi trẻ em trong độ tuổi mầm non dù giàu hay nghèo, dù miền ngược hay miền xuôi, đồng bằng hay hay hải đảo đều được đến trường lớp mầm non không phải mất tiền, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Khi giáo viên mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất đầy đủ, mọi trẻ thơ được tung tăng đến trường, khi đó không chỉ nhân cách mà cả thể lực con người Việt Nam cũng sẽ dần được cải thiện. Các em được giáo dục đầy đủ từ bậc học mầm non, rồi mỗi cấp học bổ sung dần, nuôi dưỡng dần dần, các em sẽ biết yêu thương chính bản thân mình, yêu thương người thân, bạn bè, thầy cô, yêu quê hương đất nước, biết cảm thông, chia sẻ, biết tôn trọng mọi người. Rồi lớn chút nữa các em sẽ có thái độ đúng đắn về nghề nghiệp, bởi vì các em sẽ hiểu rằng thái độ tích cực là đạo đức nghề nghiệp, là nuôi dưỡng niềm đam mê là nhiệt tình là trung thực là cầu tiến bộ, là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với quê hương, trách nhiệm với đất nước. Khi đã có thái độ đúng đắn với nghề nghiệp, khi đã có trách nhiệm với đất nước thì chắc lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ không bỏ trốn nhiều như hiện nay. Như vậy đạo đức nghề nghiệp, nhân cách con người được hình thành và bồi đắp dần từ bậc học mầm non, bậc học vô cùng quan trọng và có ý nghĩa với cuộc đời của mỗi con người. Câu các cụ dạy “Không gì vui bằng đọc sách, không gì cần bằng dạy con” mà dạy con phải dạy từ thuở còn thơ, từ thuở còn non nớt. Tôi hy vọng rằng ai đọc bài này, hãy cùng tôi góp một tiếng nói chung, tiếng nói từ trái tim: Người lớn chúng ta hãy bớt chi tiêu một chút, để mọi trẻ em được đến nhà trẻ, mẫu giáo không phải mất tiền, mọi trẻ em trong độ tuổi đều có cơ hội đến trường mầm non như nhau. Sự nghiệp trồng người, phải chăm sóc nuôi dưỡng từ tấm bé, đó cũng là thực hiện lời Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”./.
ThS. Đào Ngọc Thịnh
Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Hà Nội: Nâng cao năng lực quản trị theo hướng tự chủ tại các trường nghề công lập
05-12-2024 14:46 41
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
-
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
28-04-2024 09:17 13