Xã hội
Quảng Nam thực hiện chủ trương xóa hộ nghèo chính sách người có công
03:47 PM 12/08/2021
(LĐXH)- Ngày 12/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 5228/KH-UBND về việc thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo chính sách người có công cải thiện chiều thiếu hụt về thu nhập và các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; nhất là nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và thông tin. Phấn đấu đến cuối năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh không còn hộ nghèo chính sách người có công có khả năng, điều kiện thoát nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ.
Kết quả trong năm 2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; nhất là thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách người có công. Thông qua việc huy động nguồn lực, tập trung ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo chính sách người có công để cải thiện tiêu chí thu nhập và cải thiện các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.

Tuổi trẻ huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) chung tay hỗ trợ làm nhà ở cho người có công 

Cụ thể, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ 2,88 tỷ đồng từ nguồn kinh phí do thành phố Hà Nội hỗ trợ cho các huyện: Tây Giang, Nam Trà My, Nam Giang, Bắc Trà My để thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 72 nhà ở cho hộ nghèo chính sách người có công theo mức 40.000.000 đồng/nhà; qua đó, góp phần hỗ trợ cải thiện thiếu hụt tiêu chí nhà ở cho hộ nghèo chính sách người có công.
Trong năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã xóa được 191 hộ nghèo chính sách người có công (năm 2019 có 416 hộ, tỷ lệ 0,1%; năm 2020, giảm còn 225 hộ, tỷ lệ 0,05%); trong đó, khu vực miền núi giảm còn 223 hộ nghèo chính sách người có công, tỷ lệ 0,26%, giảm 181 hộ, tương ứng giảm 0,22%; khu vực đồng bằng còn 02 hộ nghèo chính sách người có công, tỷ lệ 0,001%, giảm 10 hộ, tương ướng giảm 0,003%...
Theo hồ sơ quản lý, tỉnh Quảng Nam hiện còn 09 huyện, thị xã có hộ nghèo chính sách người có công với số lượng 224 hộ/1.180 khẩu nghèo, bình quân 05 khẩu/hộ và đa phần tập trung ở các huyện miền núi như: Tây Giang 60 hộ, Đông Giang 52 hộ, Nam Giang 43 hộ, Bắc Trà My 35 hộ, Hiệp Đức 12 hộ, Phước Sơn 11 hộ, Nam Trà My 09 hộ.
Trong tổng số 224 hộ nghèo chính sách người có công, có 243 nhân khẩu đang hưởng trợ cấp hằng tháng và 146 nhân khẩu hưởng trợ cấp một lần, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh binh và người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cũng theo đánh giá từ UBND tỉnh Quảng Nam, thực trạng thiếu hụt 05 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo chính sách người có công bao gồm: bảo hiểm y tế 04 hộ, trình độ giáo dục người lớn 33 hộ, tình trạng đi học của trẻ em 03 hộ, chất lượng nhà ở 67 hộ, diện tích nhà ở 103 hộ; nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định 78 hộ; hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh 164 hộ; sử dụng dịch vụ viễn thông 56 hộ và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin 46 hộ…
Để thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp đó là: Thực hiện rà soát, nắm chắc đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo và nguyện vọng cần hỗ trợ để thoát nghèo của từng hộ nghèo thuộc chính sách người có công với cách mạng; trong đó, phân loại, lập danh sách hộ không có khả năng thoát nghèo, hộ có khả năng thoát nghèo để ban hành Kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo cụ thể, chi tiết, với những giải pháp quyết liệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nguyện vọng cần hỗ trợ của từng hộ gia đình.
Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo thuộc chính sách người có công. Những trường hợp không thể hỗ trợ thoát nghèo do già cả, không có lao động để tổ chức sản xuất, tạo thu nhập thì vận động, huy động nguồn lực hỗ trợ cho gia đình có thành viên hưởng chính sách người có công cải thiện các điều kiện sống, đảm bảo có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình tại địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình chính sách người có công nghèo để cải thiện các chiều, chỉ số thiếu hụt chủ yếu theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Trong đó, đối với hộ nghèo chính sách người có công không có khả năng thoát nghèo (trong hộ không có người nào có khả năng lao động, tham gia sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập cho gia đình), địa phương lập danh sách, nêu rõ hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình và thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp. Đối với hộ nghèo có khả năng thoát nghèo (có điều kiện vốn, đất đai, lao động…), địa phương lập danh sách riêng và phân công cán bộ trực tiếp khảo sát đặc điểm và các điều kiện sống của hộ gia đình, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ hộ và các thành viên có khả năng lao động về nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thoát nghèo; đồng thời, lập hồ sơ quản lý cho từng hộ, làm sơ sở xây dựng kế hoạch hỗ trợ của địa phương.
Tổ chức thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo đối với hộ nghèo chính sách người có công cách mạng; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và giải quyết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo chính sách người có công để tạo việc làm và thu nhập.
Đặc biệt là tăng cường huy động xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ thực hiện kế hoạch xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách người công. Phát huy Phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ xóa nghèo đối với hộ chính sách người có công thông qua cuộc vận động gây Quỹ “Ngày vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”…

Chí Tâm

Từ khóa: