Xã hội
Quảng Ninh: Kết quả tích cực từ việc triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW
10:01 AM 10/05/2021
(LĐXH) - Sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân. Điều đó đã tạo sức lan tỏa, giúp cho chính sách BHXH ngày càng đi vào cuộc sống.
Cô Nguyễn Thị Tình (52 tuổi, phường Bắc Sơn, TP.Uông Bí, Quảng Ninh) tham gia BHXH tự nguyện được gần 2 năm nay. “Bản thân là tiểu thương, kinh tế gia đình ổn định, nhưng điều tôi tiếc nhất là biết đến chính sách BHXH tự nguyện hơi muộn”- cô Tình bộc bạch. Theo cô Tình, do không có thời gian tìm hiểu, nên mãi đến năm 2019 khi được cán bộ BHXH tuyên truyền tại chợ, cô mới quyết định tham gia.
Có thể nói, những năm gần đây, công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT luôn được BHXH tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện, với mục tiêu thay đổi vấn đề “cốt lõi” là nhận thức của người dân. Đặc biệt, từ khi đón nhận “luồng gió mới” từ Nghị quyết 28-NQ/TW, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan đổi mới công tác tuyên truyền. Theo đó, từ năm 2020 đến nay đã phối hợp tổ chức gần 200 hội nghị tuyên truyền, đối thoại với trên 15.000 người tham dự; mở trên 30 lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phát triển BHXH tự nguyện, BHYT cho các đại lý thu và cán bộ làm công tác truyền thông.
Hướng dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tại BHXH huyện Tiên Yên.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH tỉnh thường xuyên đôn đốc các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tiếp nhận và trả kết quả đúng thời hạn, đúng quy trình, hạn chế thấp nhất số lượng hồ sơ giải quyết quá hạn; tăng cường rà soát các loại hồ sơ nhất là hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng và 1 lần trên hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử BHXH Việt Nam để chi trả cho người tham gia kịp thời. Chỉ trong tháng 4/2021, BHXH tỉnh đã rà soát 1.008 hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng và một lần trên hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử BHXH Việt Nam; tiếp nhận và nhập 1.167 hồ sơ vào phần mềm quản lý; thực hiện khai thác 470 hồ sơ phục vụ phòng nghiệp vụ giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động; chuyển 65 hồ sơ lên trung tâm lưu trữ của BHXH Việt Nam...
Cùng với đó, thực hiện tiếp nhận 60.739 lượt hồ sơ, trả 60.845 hồ sơ. Phần lớn hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua giao dịch điện tử, qua đường bưu điện. Cụ thể, trong 16.826 hồ sơ mà BHXH tỉnh nhận trong tháng 4 thì có 9.883 hồ sơ nhận qua giao dịch điện tử và qua đường bưu điện. Qua tiếp nhận, giải quyết các thủ tục, hồ sơ BHXH, BHYT, BHTN, trong 4 tháng đầu năm 2021, ngành đã giải quyết cho 4.266 người hưởng các chế độ BHXH; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 57.689 lượt người; chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 2.780 người.
Ngoài ra, BHXH tỉnh còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh duy trì các chuyên mục, chuyên đề về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên các hạ tầng của Trung tâm với nhiều nội dung phong phú, sinh động; đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH tỉnh, mạng xã hội Zalo, Facebook… Đồng thời, chú trọng tuyên truyền trực quan; tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh, tổ chức trên 200 buổi ra quân bằng cách cử các tổ, đội, nhóm nhỏ đến từng gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh, địa điểm công cộng để tuyên truyền.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Phạm Văn Điệp- Trưởng phòng Khoa giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh) cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết và chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế như mức độ tuyên truyền chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của lực lượng làm công tác tuyên truyền ngành Tuyên giáo và ngành BHXH Việt Nam; việc phối hợp cung cấp thông tin tuyên truyền ở cấp huyện chưa được thường xuyên và ổn định; các đợt tuyên truyền cao điểm chưa thực hiện đồng bộ; phương pháp tuyên truyền tại một số nơi còn mang nặng tính chất phổ biến chính sách, chưa đi sâu giải thích rõ quyền lợi của người tham gia; năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền của một số cơ sở còn hạn chế...
“Từ thực tế công tác BHXH ở Quảng Ninh và để thực hiện tốt Nghị quyết 28-NQ/TW, BHXH tỉnh Quảng Ninh cần tiếp thực hiện tốt Chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Từ đó, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, DN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”- ông Điệp nhấn mạnh.
Khánh Quyên
Từ khóa: