Sửa đổi, bổ sung về tiền lương trong Bộ luật Lao động như thế nào?
Trong 11 nội dung dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật lao động năm 2012, có một nội dung quan trọng vào bậc nhất nhì, đó là tiền lương. Tiền lương thường xuyên tác động mạnh mẽ đến tinh thần, thái độ làm việc và lựa chọn nơi làm việc của người lao động.
Hiện tại nó như một áp kế phản ảnh cường độ di biến động lao động giữa các khu vực, vùng miền, giữa các doanh nghiệp, giữa các nơi làm việc và quan trọng hơn nữa, nó chỉ ra trình độ quản lý nhà nước về bản thân nó. Dưới đây là ý kiến bước đầu.
1. Nên thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến đề xuất bỏ nội dung Chính phủ quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động mà để người sử dụng lao động tự xây dựng (khoản 1 Điều 93 dự thảo). Nếu sửa đổi như thế có nghĩa là Chính phủ sẽ không thực hiện quản lý nhà nước về thang lương, bảng lương và định mức lao động nữa; doanh nghiệp sẽ “tự tung, tự tác” hoàn toàn! Các câu hỏi được đặt ra là, Căn cứ vào đâu để doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động nếu không dựa trên những nguyên tắc cơ bản do Chính phủ hướng dẫn? Nếu doanh nghiệp nào cũng xây dựng thang lương chỉ có một bậc, hoặc hai bậc, người lao động suốt cả đời làm việc không được lên lương hoặc chỉ duy nhất một lần thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Nếu không còn theo nguyên tắc nào, lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng tranh thủ khi còn đương nhiệm tự trả lương cho mình với mức tiền tỷ hằng tháng thì sao? Có thể nói, nếu không có những nguyên tắc chỉ đẫn trong xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động thì tiền lương “trăm hoa đua nở” cũng chẳng khác nào giao thông không luật lệ.
Thang lương, bảng lương là một trong 4 nội dung cơ bản của chính sách tiền lương Nhà nước: Một là, xác định mức lương tối thiểu và quan hệ giữa tiền lương tối thiểu, tiền lương trung bình và tiền lương tối đa; tiền lương giữa các khu vực, các ngành, các đối tượng hưởng lương; trong đó xác định mức lương tối thiểu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hai là, xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương. Ba là, xây dựng các chế độ phụ cấp lương và các chế độ khác liên quan đến tiền lương. Bốn là, xây dựng cơ chế quản lý tiền lương. Nếu bỏ một trong 4 nội dung nói trên thì sẽ không còn là chính sách tiền lương hoàn chỉnh; nội dung cơ chế quản lý tiền lương cũng bị triệt tiêu, bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Sẽ có ý kiến nói rằng, việc đó được giao cho Hội đông tiền lương quốc gia. Xin thưa, Chính phủ-một thiết chế mạnh nhất của hành pháp còn chưa quản lý được thì một Hội đồng tiền lương quốc gia gồm thành viên phối hợp của ngành Lao động, của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (không phải cơ quan quản lý nhà nước), một năm vài lần họp để tư vấn cho Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu thì làm sao có chức năng quản lý nhà nước và liệu có quản lý được không ? Một khi Nhà nước không quản lý thì tình hình tiền lương chắc chắn sẽ tiếp tục lộn xộn và sẽ rối rắm hơn bây giờ nhiều.
Ở doanh nghiệp, định mức lao động và tiền lương đi liền với nhau, nhưng từ khi thực thi cơ chế thị trương và kinh tế thị trường thì quản lý nhà nước về định mức lao động bị buông lỏng, thậm chí bị bỏ lửng; nhiều doanh nghiệp tự đặt định mức lao động rất cao không ai kiểm soát, có nơi công nhân làm việc đến 12 tiếng/ngày mà vẫn không đạt định mức lao động. Tất nhiên đi liền theo đó là tiền lương, thu nhập của người lao động không được cải thiện... Chắc chắn người làm công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và tất cả chúng ta, không ai muốn tiếp tục tình trạng một số doanh nghiệp mặc sức chiếm đoạt thành quả lao động của công nhân (nếu không muốn nói là bóc lột quá đáng) bằng định mức lao động dáng dấp kiểu Taylo; và cũng không ai muốn duy trì tình trạng đồng lương bèo bọt của người lao động ở không ít doanh nghiệp... Đẩy mạnh cải cách hành chính, chúng ta sẽ bãi bỏ tất cả các thủ tục rườm rà, thậm chí là vô lý, không cần thiết nhưng không được bỏ qua những nguyên tắc quản lý của Nhà nước.
Với những lý do đó, xin đề nghị, Nhà nước (cụ thể là Chính phủ) vẫn phải hướng dẫn các nguyên tắc cơ bản về định mức lao động và xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quyết định định mức lao động và thang lương, bảng lương trên cơ sở các nguyên tắc đó.
2. Xin được nói một vài lời về mối quan hệ tiền lương giữa các khối lao động, chủ yếu là tiền lương giữa khối lao động thị trường và khối lao động hành chính sự nghiệp công.
Một khái niệm bị phân thành hai: Từ năm 2012 trở về trước, tất cả các khu vực lao động cùng chung mức lương tối thiểu. Từ năm 2013 lại đây, khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (khu vực lao động thị trương) không thay đổi, còn khu vực hành chính, sự nghiệp công và lực lượng vũ trang, mức lương tối thiểu được thay thế bằng mức lương cơ sở. Việc thay đổi khái niệm từ mức lương tối thiểu sang mức lương cơ sở đối với khu vực hành chính, sự nghiệp công và lực lượng vũ trang kèm theo là thay đổi nội dung với mức độ khác biệt trầm trọng. Vào thời điểm này (tháng 02 năm 2017), sự khác biệt giữa mức lương tối thiểu và mức lương cơ sở như sau:
Theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016, mức lương cơ sở (của khu vực hành chính, sự nghiệp công và lực lượng vũ trang) là 1.210.000 đồng. Theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14-11-2016, mức lương tối thiểu của khu vực lao động thị trường, vùng I là 3.750.000 đồng; các vùng II, III, IV lần lượt là, 3.320.000 đồng; 2.900.000 đồng; 2.580.000 đồng. Mức lương cơ sở so với mức lương tối thiểu của 4 vùng lần lượt chỉ bằng 32,2%; 36,4%; 41,7% và 46,8%. Hiện trạng này làm phát sinh rất nhiều mâu thuẫn, thậm chí là “xung đột”, nhưng xin chỉ nêu trước 2 vấn đề. Một là, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu có phải là một không? Có người nói, đúng là một, vì mức lương tuyệt đối của mỗi người đều bằng mức lương cơ sở hay mức mức lương tối thiểu nhân (x) với hệ số lương của người đó. Ý kiến khác nói, không phải là một mà khác nhau, vì tên khác nhau và mức tuyệt đối cũng khác nhau (2 triệu mốt hoàn toàn khác với 3 triệu bảy lăm...) và về từ ngữ thì cơ sở khác với tối thiểu và nếu là một thì đặt ra tên mới làm gì. Không hiểu nguồn gốc ra đời và nội hàm của mức lương cơ sở là gì, vì trong lý luận về tiền lương và thực tiễn từ khi có chính sách tiền lương của Nhà nước năm 1957 cho đến năm 2013 không hề có thuật ngữ này! Hai là, Về mặt luật pháp thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường; mức lương tối thiểu được quy định trong luật (được luật hóa). Vậy mức lương cơ sở chỉ bằng 30-40% mức lương tối thiểu, không lẽ lao động lãnh đạo, quản lý từ các chức danh cao nhất trong bộ máy nhà nước đến lao động hoạch định chính sách, luật pháp, các nhà khoa học...lại làm những công việc quá giản đơn (giản đơn của giản đơn) so với lao động thị trường hay sao? Người được đào tạo dài hạn 4 năm trở lên có bề dày thâm niên công tác phải hưởng mức lương cơ sở kém hơn người được đào tạo vài ba tháng hoặc lao động phổ thông với thâm niên lao động ngắn ngày hay sao? Lao động chất xám, trí tuệ giá trị thấp hơn lao động phổ thông hay sao? Lao động đặc biệt (chiến đấu và sẳn sàng chiến đấu) cường độ và giá trị kém thua lao động thị trường hay sao? Mức lương cơ sở chưa được đạo luật nào quy định, thậm chí chưa được nghiên cứu và công bố về bản chất và cơ sở hinh thành mà tự nhiên đã đưa vào thực hiện ! Cũng phải nói thêm rằng, không ít người là lao động lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, người nghiên cứu luật pháp, chính sách, tổng biên tập, biên tập viên, phóng viên báo chí..., họ làm việc hầu như không có thời gian. Trong khi ăn, khi nghỉ, thậm chí ban đêm, nếu trong đầu lóe lên “một tia chớp” thông tin có giá trị là họ phải bật dạy “ký lại” ngay để mai còn xử lý hoặc suy ngẫm, tư duy tiếp. Nghĩa là họ lao động cật lực, chứ không phải hết giờ hành chính hay tan ca là nghỉ khỏe...
Tình trạng vô lý, thậm chí là lộn xộn trong chính sách tiền lương hiện tại cần được nghiên cứu nghiêm túc và khắc phục càng sớm, càng tốt; trước hết là xác định lại tính chất của lao động và quy định lại mức lương tối thiểu của các khu vực lao động cả trong Bộ luật Lao động và cả trong Luật cán bộ công chức, Luật viên chức cho công bằng, hợp lý và đúng đắn hơn./.
TS. Bùi Ngọc Thanh
Từ khóa:
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Hà Nội: Nâng cao năng lực quản trị theo hướng tự chủ tại các trường nghề công lập
05-12-2024 14:46 41
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
-
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
28-04-2024 09:17 13
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00