Xã hội
Thái Nguyên chăm lo toàn diện cho người có công
08:12 AM 09/09/2021
(LĐXH) - Trong những tháng năm kháng chiến, Thái Nguyên được coi là Thủ đô kháng chiến của cả nước, trải qua các cuộc kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế, Thái Nguyên có hơn 10.800 liệt sĩ; gần 600 Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 10.000 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; hơn 13.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Hiện tỉnh có hơn 130 ngàn người có công với cách mạng, trong đó đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gần là 23 ngàn người...
Thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại thành phố Thái Nguyên
Những năm qua, Thái Nguyên là một điểm sáng trong công tác phụng dưỡng, chăm sóc người có công với nhiều hoạt động cụ thể như xây dựng nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực khác góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Chỉ tính 5 năm gần đây, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, Thái Nguyên đã có gần 9.000 hộ ngườicó công, thân nhân gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở, trong đó xây mới gần 3.500 nhà, sửa chữa gần 5.500 nhà, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 247 tỷ đồng. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, chính quyền địa phương, nhân dân tại nơi người có công cư trú còn tham gia đóng góp hàng nghìn ngày công lao động. Cùng với đó, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ chính sách cho người có công.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên luôn chú trọng đến những hành động cụ thể trong công tác chăm sóc người có công và thân nhân người có công. Thể hiện cao nhất là sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương chủ động lựa chọn, đăng ký nhận hỗ trợ 194 hộ nghèo có thành viên là người có công. Và tỉnh đang có kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2021 không còn hộ có thành viên người có công thuộc diện nghèo. 
Tính đến thời điểm này cơ bản tất cả các hộ gia đình người có công ở Thái Nguyên đã có mức sống bằng và cao hơn mức sống nơi cư trú. Hàng năm vào dịp lễ, tết, ngoài việc tổ chức các đoàn đại biểu đặt vòng hoa thăm viếng các Đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh, các địa phương còn tổ chức đưa đón thân nhân liệt sỹ đi thăm viếng nghĩa trang, thăm hỏi các thương binh đang điều trị, điều dưỡng tại các trung tâm trên cả nước...
Chăm sóc, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng là việc làm thể hiện tình cảm, tri ân đến sự hy sinh, cống hiến của các Mẹ trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Những người mẹ ấy đã vĩnh viễn mất đi những người thân yêu nhất, thậm chí có trường hợp có đến 3 người con và chồng hy sinh trong kháng chiến... Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện trên toàn tỉnh còn 23 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và đang được nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh nhận phụng dưỡng đến hết đời. Ngoài các chế độ của Nhà nước trợ cấp ưu đãi hàng tháng, một lần, thăm hỏi khi lễ, tết, tổ chức điều dưỡng sức khỏe hàng năm, các đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên phối hợp với địa phương các cấp cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và gia đình, dòng họ trực tiếp thăm hỏi, động viên, chăm sóc, hỗ trợ về nhà ở, phương tiện sinh hoạt...
Về công tác xây dựng quỹ và quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hàng năm trung bình Thái Nguyên đã đã huy động được khoảng trên 5 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh chiếm khoảng 20%... Cụ thể, từ năm 2017 đến hết năm 2021, Ban Vận động Quỹ các cấp huy động được gần 27 tỷ đồng, riêng năm 2020 huy động được 6,8 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được sử dụng vào công tác hỗ trợ kinh phí xây dựng sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm hỏi tặng quà người thuộc diện chính sách, gia đình người có công nhân ngày lễ, Tết, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7; hỗ trợ gia đình thương binh gặp tai nạn rủi ro, xây dựng, tu sửa đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ…
Về công tác bia mộ, hàng năm, tỉnh trích từ ngân sách địa phương thực hiện công tác xây dựng, tu sửa đài, nghĩa trang và mộ liệt sỹ... Đặc biệt, ngành Lao động - Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và chỉ đạo các địa phương huy động hàng ngàn ngày công lao động xây dựng mới Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh, làm tốt công tác đón tiếp, di chuyển hài cốt liệt sỹ về địa phương. Tất cả Đài, Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh và phần mộ của các liệt sỹ tại 76 nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh đều được tôn tạo, tu sửa...
NHB
 
Từ khóa: