Tham vấn chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
(LĐXH)- Ngày 13/7/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động – TBXH và Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn Dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Nguyễn Thị Hà chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, cho biết: Chính phủ giao Bộ Lao động - TBXH chủ trì, xây dựng Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới để trình Chính phủ trong tháng 9 sắp tới. Bộ Lao động - TBXH đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định. Ban soạn thảo của Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận về các nội dung hồ sơ dự thảo Nghị định, cũng như tiến hành việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động – TBXH và gửi văn bản xin ý kiến của Bộ, ngành và các địa phương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, ngày 20/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam đối với vấn đề này. Đây cũng là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Trước khi Bộ luật Lao động được thông qua, Bộ Lao động - TBXH đã chủ trì hội thảo với gần 200 đại biểu góp ý về các nội dung này tại Hà Nội, với nhiều nội dung đã được tiếp thu vào nội dung Bộ luật Lao động năm 2019.
Bên cạnh đó, vấn đề tuổi nghỉ hưu với lao động nữ được đưa ra thảo luận hàng chục năm trước, nhưng mới năm 2019 vừa qua đã được Quốc hội thông qua. Các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình…
Quang cảnh hội thảo
Nghị định này cần phải cụ thể hóa đầy đủ những chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2019, thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho phụ nữ, để họ có quyền đưa ra các quyết định.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn và đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo nghiên cứu, tham gia ý kiến một cách tích cực, trách nhiệm với các ý kiến rõ ràng, cụ thể tương thích với các điều của Bộ luật Lao động và các luật khác có liên quan, đồng thời bảo đảm có tính khả thi vào các chủ đề trọng tâm của hội thảo. Ban soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu tại 3 hội thảo ở 3 miền và tiếp thu tối đa các góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định có chất lượng, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, của cộng đồng doanh nghiệp, phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
26-12-2024 10:43 24
-
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
26-12-2024 09:00 19
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
12-12-2024 15:32 54
-
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
25-12-2024 14:48 04
-
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
25-12-2024 14:47 32