Xã hội
Xã Mỹ Phước: Minh chứng cho tinh thần cách mạng sắt son của nhân dân tỉnh Sóc Trăng
03:20 PM 30/04/2021
(LĐXH) – Tại Sóc Trăng, có một khu di tích căn cứ Tỉnh ủy nằm trong rừng tràm Mỹ Phước, thuộc xã Mỹ Phước (Mỹ Tú). Nơi đây còn các di tích hầm bí mật, hầm tránh pháo, hố bom, nhà thường trực, hội trường, nhà ăn... là minh chứng cho tinh thần cách mạng trung dũng, kiên cường của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Mảnh đất gắn liền với nhiều chiến công oanh liệt
Vùng đất Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) là cái nôi của phong trào cách mạng, rừng tràm Mỹ Phước là địa danh lịch sử và còn là cơ quan đầu não của Đảng, quân, dân Sóc Trăng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, quân và dân Mỹ Phước đã kiên cường đấu tranh, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Căn cứ này được hình thành và xây dựng trong khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước. Trước đây, khu vực này chỉ là cánh đồng hoang vu đầy cỏ dại, rộng hàng chục ngàn ha, sau đó người dân đến đây khai phá, định cư và lập ấp.
Đầu thế kỷ XX, sau khi chiếm 06 tỉnh Nam kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên - địa bàn Sóc Trăng thuộc tỉnh An Giang, Pháp đẩy mạnh khai thác tài nguyên, chiếm đất nông sản, bắt nhân dân đào kênh, rạch và trồng tràm. Lúc bấy giờ (1926), tỉnh Sóc Trăng có 4 quận là Châu Thành, Kế Sách, Long Phú và Phú Lộc, khi đó Mỹ Phước thuộc quận Châu Thành. Đến ngày 25/8/1945, sau khi nhân dân Sóc Trăng giành chính quyền thành công thì rừng tràm này là tài sản của nhân dân tỉnh Sóc Trăng
Chân dung ảnh Bác và bảng ghi danh các anh hùng liệt sĩ bên trong Đền Tưởng niệm
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng tràm Mỹ Phước đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn và thuốc khai hoang do địch trút xuống, với ý đồ hủy diệt Khu Căn cứ Tỉnh ủy, hủy diệt cả sự sống trên vùng đất này. Nhưng với tinh thần quả cảm của quân và dân Sóc Trăng, đặc biệt là Đội phòng thủ Tỉnh ủy, Ban Bảo vệ căn cứ cùng du kích và nhân dân xã Mỹ Phước đã dũng cảm, mưu trí chống trả, tổ chức bảo vệ an toàn Khu Căn cứ Tỉnh ủy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Khu Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng vẫn an toàn, vẫn vững vàng tồn tại, đó là minh chứng lịch sử cho tấm lòng sắt son của nhân dân xã Mỹ Phước luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, đã che chở cưu mang để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, tổ chức nhiều cuộc hội nghị quan trọng, ban hành nhiều Nghị quyết lãnh đạo quân và dân Sóc Trăng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhơn, ở xã Mỹ Phước nhớ lại: “Đầu năm 1972, ngụy quyền Sóc Trăng ra sức tăng cường bắt lính, đóng thêm đồn bót và thực hiện kế hoạch bình định, mở nhiều chiến dịch đánh phá vào vùng căn cứ. Vào khoảng tháng 4-1972, có trận đánh địch đã huy động trên 1.000 quân càn quét vào rừng tràm Mỹ Phước. Khi quân địch thọc sâu vùng bên trong căn cứ, lực lượng của ta đã bao vây địch ở bên ngoài, chiến đấu quyết liệt hơn một tháng trời, ta đã diệt và làm bị thương nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải rút quân. Từ căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã triệu tập nhiều cuộc hội nghị quan trọng nhằm quán triệt các nghị quyết của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy cùng các quyết sách quan trọng lãnh đạo quân, dân Sóc Trăng, góp phần đánh thắng hai kẻ thù xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nay rừng tràm Mỹ Phước, căn cứ địa của Tỉnh ủy Sóc Trăng được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tại đền tưởng niệm ghi danh hơn 14.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Ông Nguyễn Hoàng Thương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Phước cho biết, trước đây Mỹ Phước là một trong những nơi khó khăn ở vùng đất bưng biền phèn trũng, nửa năm nắng hạn, nửa mùa nước dâng. Từng gia đình, từng xóm, ấp phải trải qua hàng chục lần bị bom đạn kẻ thù tàn phá, mỗi ấp có một cái đồn nhưng vẫn kiên cường bám trụ để sản xuất và chiến đấu cho đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Với thành tích đã đạt được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Mỹ Phước vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
Đổi thay trên vùng đất mới…
Sau giải phóng, cả vùng căn cứ cách mạng Mỹ Phước đa phần diện tích đất sản xuất bị nhiễm phèn, mặn, chỉ làm được một vụ lúa mùa, nhưng năng suất rất thấp, giao thông chủ yếu bằng ghe, xuồng, hệ thống trường, trạm… thiếu thốn mọi bề. Ðời sống người dân rất khó khăn. Tuy nhiên, qua phong trào làm thủy lợi nội đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, rồi đưa vào sử dụng những giống mới, ứng dụng kỹ thuật canh tác... đã giúp bà con sản xuất được 2 vụ lúa mỗi năm, năng suất tăng gấp ba lần so với trước. Để phá thế độc canh cây lúa, bà con còn áp dụng nhiều mô hình trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản… đạt hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập.
Cùng với đó, hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Với ý chí cần cù lao động, quyết tâm vươn lên làm giàu, mỗi gia đình chọn cho mình mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Điển hình như ông Nguyễn Văn Tòng, ở ấp Phước Ninh, xã Mỹ Phước, từ 11 công đất nhiễm phèn, mặn, ông được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân 50 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi trồng xoài và ổi, mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được nâng cao, hệ thống trường học đã được đầu tư, cải tạo khang trang, chất lượng giáo dục cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Về thăm xã Mỹ Phước hôm nay, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Mỹ Phước hôm nay đã có đường ôtô về trung tâm xã, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, có phòng khám đa khoa xây dựng trên địa bàn xã phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân…
Đồng chí Trần Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phước cho biết, năm 2021, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải quyết tâm triển khai, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ là phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả và bền vững, thúc đẩy kinh tế tư nhân nâng cao chất lượng duy trì các tiêu chí xã đạt nông thôn mới, phát huy nội lực kết hợp với tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, thu hút đầu tư thương mại dịch vụ; phấn đấu đến năm 2024 xã Mỹ Phước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Nam Khánh

 

 

 

Từ khóa: