Bắc Giang triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch là nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các lĩnh vực hoạt động công tác xã hội và nghề công tác xã hội; đẩy mạnh các hoạt động phát triển công tác xã hội ở các ngành, các cấp, các đơn vị theo hướng hội nhập, mở rộng, phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong từng giai đoạn. Khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội toàn diện trên các lĩnh vực đảm bảo cung cấp kịp thời cho người dân có nhu cầu, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiệu quả.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu đạt 65% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại tạm giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; mỗi đơn vị bố trí ít nhất từ 01 đến 02 người chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên làm công tác xã hội. Ít nhất có 50% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại tạm giam, hệ thống tư pháp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội.
Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ tư vấn người dân các dịch vụ xã hội cần thiết
Cùng với đó là đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đảm bảo đáp ứng tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn khi có nhu cầu.
Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại tạm giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội; mỗi đơn vị bố trí ít nhất từ 01 đến 02 người chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên làm công tác xã hội.
Kế hoạch tập trung một số nội dung chính là: Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí công tác xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và đối tượng yếu thế khác.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về công tác xã hội, phục vụ yêu cầu chỉ đạo, quản lý. Học tập kinh nghiệm phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội, nhất là nội dung đào tạo và phương pháp nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội. Thực hiện đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công tác xã hội, dịch vụ công tác xã hội trong các ngành, các lĩnh vực như bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy, giáo dục, y tế, trại tạm giam, tư pháp, lao động - thương binh và xã hội và trong các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội…
Triển khai các hoạt động công tác xã hội gồm các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất tại cộng đồng và các cơ sở trợ giúp xã hội. Tổ chức các hoạt động trợ giúp, tư vấn hỗ trợ tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân được phép thành lập theo hướng thực hiện trợ giúp toàn diện, bền vững theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội toàn diện, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội toàn diện tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp, Cơ sở chăm sóc người tâm thần, Cơ sở cai nghiện ma túy. Giai đoạn 2026-2030: Triển khai nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.
Phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở các xã, phường, thị trấn; phấn đấu mỗi đơn vị có từ 01 đến 02 người chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên làm công tác xã hội. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên và người làm công tác xã hội./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58