Bình Định đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn nói riêng được các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội ở Bình Định quan tâm thực hiện và đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp đỡ các nạn nhân vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Theo tài liệu do Mỹ cung cấp, từ năm 1965 đến 1975, không quân Mỹ đã trút xuống địa bàn tỉnh Bình Ðịnh gần 400 nghìn quả bom mìn vật nổ, tương đương với trên 250 nghìn tấn.
Sau chiến tranh, theo dữ liệu điều tra công bố năm 2018, 100% xã (phường, thị trấn) của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định bị ô nhiễm bom mìn vật nổ. Diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ là 246.842 ha, chiếm 40,9% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Tính riêng từ năm 2019 đến cuối năm 2020, lực lượng Công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã phát hiện và xử lý khoảng 40.090 bom mìn vật nổ các loại…
Nhằm tiếp tục huy động nguồn lực trong nước và quốc tế giúp giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn vật nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiến hành xác định vị trí, diện tích cần rà phá bom mìn theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiến hành khảo sát kỹ thuật, lập phương án kỹ thuật thi công; phân chia khối lượng rà phá bom mìn vật nổ theo từng năm; lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, tập trung lực lượng, phương tiện cần thiết triển khai nhanh, gọn để từng bước hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, bàn giao khu vực đã được rà phá hết bom mìn vật nổ cho các địa phương quản lý và sử dụng; tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, nhất là với những người khuyết tật, nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt hơn...
Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình và Bình Định (ảnh năm 2020)
Cụ thể, về hỗ trợ sinh kế, Bình Định dự kiến hỗ trợ cho 200 hộ (trong đó cấp bò giống 135 hộ, heo giống 32 hộ và gà giống 33 hộ). Nhu cầu về hỗ trợ sinh kế, trước mắt ưu tiên hỗ trợ cho nạn nhân của huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn.
Về tiêu chí xác định đối tượng hỗ trợ (đối với nhu cầu con giống) là nạn nhân đang sinh sống trên địa bàn huyện, thị xã ít nhất trong 3 năm gần đây; nạn nhân là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn (có giấy xác nhận của chính quyền địa phương); là nạn nhân bom mìn đã đăng ký trên hệ thống phần mềm về đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn; chưa được nhận hỗ trợ sinh kế dưới bất cứ hình thức nào (giống cây, con giống, vốn sản xuất kinh doanh…) của các chương trình hoặc dự án khác trong vòng 3 năm trở lại đây; ưu tiên dành cho nạn nhân bom mìn là trẻ em, phụ nữ, người đang ở độ tuổi lao động, bị tai nạn trong những năm gần nhất.
Đối với điều kiện hỗ trợ, mỗi cá nhân/hộ gia đình của nạn nhân bom mìn chỉ được nhận một hình thức hỗ trợ sinh kế phù hợp nhất. Mỗi cá nhân/hộ gia đình của nạn nhân bom mìn đồng ý nhận hỗ trợ và có cam kết đối ứng trong trường hợp thiếu kinh phí để mua con giống, gia đình tự xây dựng chuồng, trại để chăn nuôi, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, họp rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch chăn nuôi phù hợp.
Sau khi lập danh sách và thống nhất với địa phương chọn đối tượng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở địa phương tổ chức tập huấn chăn nuôi, lập kế hoạch cho 200 nạn nhân bom mìn và thành viên gia đình của nạn nhân bom mìn tại thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ (dự kiến mỗi lớp tập huấn khoảng 40 người).
Qua tập huấn sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về cách xây dựng mô hình sản xuất chăn nuôi bền vững, sản phẩm có khả năng đưa ra thị trường, dựa trên các nguồn lực, tiềm năng, năng lực trong điều kiện bối cảnh có sẵn. Bên cạnh đó, đối tượng được hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất chăn nuôi trình lãnh đạo xã, huyện tỉnh, phê duyệt; thành lập nhóm, người đầu mối điều phối để các thành viên trong nhóm sẽ cùng thảo luận trao đổi thống nhất cách làm hợp lý, chia sẻ kinh nghiệm…
Không chỉ được hỗ trợ con giống và tiến hành cách chăn nuôi theo kế hoạch, con giống của các nạn nhân bom mìn tham gia còn được các đơn vị liên quan cung cấp thức ăn và tiêm phòng theo quy định.
Tin tưởng rằng, với những hoạt động thiết thực, kế hoạch hỗ trợ sinh kế cụ thể, các nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ sớm vươn lên, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58