An tâm hưởng tuổi già
Mới đây, theo số liệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội vừa công bố tại Báo cáo Quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hóa” cho thấy, trong số 13,4 triệu người già, có khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc chật vật mưu sinh kiếm sống. Số còn lại, đa phần được hưởng lương hưu có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, có thẻ BHYT do quỹ BHXH cấp miễn phí để yên tâm sinh sống, an hưởng tuổi già nhờ vào việc đã tham gia BHXH.
Ông A Thiêng, 106 tuổi, dân tộc H’Rê (ở thôn Vi Kơ Lâng, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) là một trong những người già hạnh phúc khi có lương hưu. Ông A Thiêng từng có thời gian tham gia cách mạng, sau đó làm Bí thư Chi bộ xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) và Huyện ủy viên, Chủ tịch Mặt trận huyện Kon Plông. Sau bao năm lao động, cống hiến, ông A Thiêng bắt đầu được hưởng lương hưu từ tháng 01/1977. Đến nay, ông đã có gần 44 năm hưởng lương hưu với mức lương hưu hằng tháng là 4 triệu đồng.
Nhờ có lương hưu, ông A Thiêng không phải vất vả làm ruộng, nương rẫy để lo cho cuộc sống như nhiều người già nơi đây. Số tiền lương hưu của ông hằng tháng, có thể không lớn với nhiều người, song ở vùng nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn như thôn Vi Kơ Lâng, số tiền ấy thậm chí còn hơn cả thu nhập của một hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều người già trong làng, trong xã Hiếu thì đó còn là cả một niềm mong ước…
Không giấu được niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt, ông A Thiêng rút từ trong túi áo ra số tiền lương hưu vừa được lĩnh rồi khoe: “Hôm trước, nhận được thông báo Nhà nước chi trả gộp 2 tháng lương vào cùng một đợt, Già phấn khởi lắm liền ra Bưu điện xã lĩnh luôn. Đang bảo lát nữa sẽ đưa cho thằng cháu một ít đi mua dầu ăn, mắm muối đây... Lần nào cũng vậy, cứ nhận lương về là Già chia ra các phần luôn, phần thì để mua thức ăn, phần thì cất đi để phòng khi lúc có việc còn dùng đến chứ…”.
Theo ông A Thiêng, các con của ông đều làm nương rẫy, thu nhập chẳng đáng là bao nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, với lương hưu ngoài việc giúp ông tự chăm lo cho tuổi già của bản thân, ông còn trích một phần lương hưu để hỗ trợ cho các con nuôi các cháu ăn học. Ông tâm sự: “Già thật lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và cả BHXH nữa, đã giúp Già có lương hưu. Bao nhiêu năm nay, nhờ lương hưu mà Già và gia đình sống khỏe đấy, lúc Già đau ốm cái thẻ BHYT cho tiền chữa bệnh hết. Nếu như không có tiền lương hưu của Già thì cuộc sống của con cháu chắc sẽ chật vật lắm”.
Cán bộ BXHX huyện Kon Plong, Kon Tum đến thăm tặng quá ông A Thiêng
Lao động tự do cũng có lương hưu
Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ông Bùi Minh Nhật (số nhà 142, Mai Hắc Đế, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia BHXH bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi về già.
Ông Nhật cho biết: “Trước đây tôi làm tự do, mãi gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên tôi rút BHXH một lần, nhưng tôi nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”.
Với sự lựa chọn, đầu tư hiệu quả ấy, hiện ông Nhật đã được gặt hái “trái ngọt” với số tiền lương hưu gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ông Nhật nói: “Số tiền tuy không lớn nhưng ít nhất cũng giúp tôi có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ BHYT miễn phí giúp tôi an tâm hơn, bởi với tuổi già bệnh tật cũng chả báo trước. Hiện tại, tôi vẫn còn khỏe để đi làm, vợ tôi cũng có lương hưu hằng tháng nên cuộc sống an ổn lắm”.
Cũng giống ông Nhật, nhiều người dân tại tỉnh Kon Tum làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê… đã và đang lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Theo thống kê của BHXH tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH của toàn tỉnh là 47.246 người, trong đó BHXH tự nguyện là 8.023 người (tăng 358 người so với tháng trước). Qua thực tiễn triển khai chính sách BHXH cho thấy, niềm tin của người dân trên địa bàn đối với chính sách này ngày càng rõ nét, qua đó chính sách BHXH, BHYT đã tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò trụ cột an sinh trong việc đảm bảo quyền an sinh cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Người lao động tự do hay bất cứ công dân Việt Nam nào từ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) đều có thể tham gia BHXH tự nguyện, tham gia vào lưới an sinh xã hội của Nhà nước, để khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hằng tháng trang trải cuộc sống và trong suốt quá trình hưởng lương hưu được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe./.
Trương Đăng
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58