Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn khẳng định vị thế của của người nông dân
(LĐXH) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ban ngành đã đối thoại trực tiếp với nông dân với chủ đề: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức, hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp trong đó 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho trên 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước và 62 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố…
Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công lao rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những nông dân tiêu biểu trực tiếp tham dự đối thoại lần này.
Sau hơn 13 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại nhiều kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến tích cực về việc làm, thu nhập khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, xây dựng Đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn", trong đó, tập trung các giải pháp đột phá, khai thác các nguồn vốn văn hóa ở các vùng miền, tạo động lực để người dân khơi dậy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái, từ đó nâng cao đời sống vật chất của người dân và đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nội dung đổi mới của Đề án tập trung vào các vấn đề, trong đó chú trọng đến việc đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khởi nghiệp cho lao động nông thôn; Đổi mới phát triển chương trình, giáo trình, học liệu; Đổi mới trong việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, cần hình thành một thói quen, người lao động tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình; Đổi mới về cơ chế chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; gắn kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc làm, doanh nghiệp và thị trường lao động; Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Phát biểu tại Hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân vừa qua, ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: “Chúng ta tiếp tục phải đổi mới về GDNN, trong đó đổi mới đào tạo nghề theo hướng nào luôn là câu hỏi khó, nhưng có thể tư duy thực hiện đổi mới theo hướng: Trước tiên có thể hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình, điều này rất quan trọng và Bộ LĐTBXH mong thời gian tới Hội Nông dân sẽ phối hợp với chúng tôi và Bộ Nông nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo. Tiếp đó, đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và định hướng cho nông dân và đối với từng vùng thì cách làm phải khác nhau. Phải phân loại, đối với với nông dân trình độ thấp, trình độ chưa tương xứng thì cầm tay chỉ việc. Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để gắn với sinh kế lao động, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động nâng cao thu nhập cho người dân… Trong 3 chương trình Mục tiêu quốc gia hiện nay, đã bố trí rất nhiều nguồn kinh phí cho đào tạo nghề, nhưng khi về địa phương lại bố trí lồng ghép vào những công việc khác, nên hiệu quả chưa cao. Thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm tăng hiệu quả nguồn vốn dành cho đào tạo nghề… Đặc biệt, việc phân vai, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các Bộ, ban, ngành, trong đó toàn bộ lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh, lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và luôn phải coi đào tạo nghề là bước đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn…”
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Giải quyết các vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn là cơ sở quyết định việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân xứng tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tê – xã hội giai đoạn 2021 -2030. Theo đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề lớn và có ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…”
Nông thôn Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Nhờ vào những kĩ thuật tiên tiến, các công nghệ cao, nhiều mô hình làm ăn đã đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp ngày càng đầu tư vào việc sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông, lâm, hải sản… cũng như kinh doanh các dịch vụ... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, lối sống của lao động nông thôn. Từ sự thay đổi này, các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh, xây dựng lại danh mục nghề được đào tạo cho người lao động nông thôn, sắp xếp lại hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn nông thôn theo hình thức mở và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số… Các cơ sở dạy nghề cần nhanh chóng sử dụng các công nghệ mới để giới thiệu hướng phát triển nghề ở nông thôn, những nghề mới đang có xu hướng phát triển trên địa bàn đồng thời xây dựng các phương pháp đào tạo mới như đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Bên cạnh đó, chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông các cấp trên địa bàn nông thôn, nông nghiệp cần giúp cho học sinh định hướng nhiều hơn vào các nghề sẽ phát triển ở nông thôn mà vẫn đa dạng được các ngành nghề vốn là thế mạnh của khu vực này.
Tại hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân với chủ đề: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra 9 giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân gắn với sự phát triển khu vực này đồng thời nâng cao trình độ, quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong sự phát triển kinh tế - xã hội... Tiếp đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm và giảm chi phí. Đối với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ để cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, để đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng… Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp vào năm 2035 và hiện đại hóa vào năm 2045…/.”
Hữu Bắc
-
Thực trạng về “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất” và giải pháp hoàn thiện
25-10-2024 16:24 12
-
Ông Trần Quản Quốc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM
09-09-2024 12:21 43
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
25-03-2024 15:23 32
-
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước
12-02-2024 07:54 33
-
Nhìn lại 40 năm thực hiện chính sách xã hội - Định hướng giải pháp góp phần phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn mới
09-02-2024 19:12 07