Nghiên cứu - trao đổi
Chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động – nhiệm vụ quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
10:11 AM 14/10/2022
(LĐXH) - Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động là “tỷ trọng lao động khu vực nông – lâm – ngư nghiệp giảm xuống dưới 20% trong tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế”. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách phù hợp và đột phá, thúc đẩy tạo việc làm, tăng năng suất, chất lượng góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, hướng tới phát triển bền vững… Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng vào tăng NSLĐ của nền kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu làm thay đổi tỷ trọng lao động trong các ngành
Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động Việt Nam
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu làm thay đổi tỷ trọng lao động trong các ngành kinh tế. Giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng lao động trong khu vực Nông lâm thủy sản giảm bình quân 1,70%/năm, trong khi tỷ trọng lao động khu vực Công nghiệp-Xây dựng và Thương mại – Dịch vụ tiếp tục tăng tương ứng 4,26%/năm và 3,54%/năm. Tỷ trọng lao động Nông lâm thủy sản đã giảm 15,34 điểm phần trăm (từ 48,40% năm 2011 giảm xuống còn 33,06% năm 2020). Đặc biệt trong những năm gần đây, cơ cấu lao động theo khu vực đã dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại – Tỷ trọng lao động trong khu vực Nông lâm thủy sản giảm bình quân 2,14 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020, trong khi chỉ giảm 1,2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2011-2015.
Theo khảo sát về tốc độ tăng trưởng việc làm của 21 ngành kinh tế trong thời gian vừa qua cho thấy có hai ngành “Công nghiệp chế, chế tạo” và “Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy” chiếm tỷ trọng lớn trong tổng việc làm (21,08% và 13,6%), giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 cả 2 ngành đều có mức tăng trưởng tương ứng là 20,71% và 24,90% với ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng 15,69%, 7,73% với ngành Bán buôn, bán lẻ. Đáng lưu ý, việc làm trong khu vực “Tổ chức chính trị xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc” chiếm 2,7% tổng việc làm của nền kinh tế năm 2020, tiếp tục xu hướng giảm với tốc độ 15,85% so với năm 2016. Ngoài ra, một số ngành cũng có xu hướng giảm việc làm khá nhanh như: Khai khoáng giảm 19,18% và 19,67% trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, Nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 5,52% trong giai đoạn 2011-2015 và 20,1% giai đoạn 2016-2020.
Chuyển dịch cơ cấu lao động từng bước phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ đã làm tăng năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế. Số việc làm giảm ở ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản một phần là do sức hút từ ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng (nơi có NSLĐ cao hơn nên thu nhập của người lao động cũng cao hơn) cũng như lực đẩy từ chính Nông, lâm nghiệp và thủy sản do ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khác, ít nhiều thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam.
Sử dụng phương pháp tính tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành theo phương pháp vector cho thấy: Giai đoạn 2011-2014, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ở Việt Nam biến động ít, điều ngày chứng tỏ sự thay đổi tỷ trọng lao động trong các ngành kinh tế không nhiều; giai đoạn 2012-2013, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành kinh tế ở mức thấp nhất, là 0,80%.
Giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành có sự biến động rõ rệt, đạt 5,21% trong giai đoạn 2018-2019, kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành đồng thời khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Xét trong cả giai đoạn 2011-2020, lao động giữa các ngành luôn có sự chuyển dịch theo hướng từ các ngành nông, lâm nghiệp thủy sản sang các ngành công nghiệp- xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Dự báo việc làm giai đoạn 2021-2030
Với các dự báo phục hồi kinh tế với mức tăng GDP trung bình là 6,5% giai đoạn 2021-2030, dự báo tổng việc làm tiếp tục tăng, cụ thể là: năm 2022 đạt 51,42 triệu việc làm, đến năm 2025 con số này là 52,63 triệu và đến năm 2030 là 58,32 triệu việc làm. Trong khi đó, dự báo cho thấy cơ cấu việc làm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm, năm 2022 chiếm 30,48% và đến năm 2030 chỉ chiếm 20,42% việc làm. Tỷ trọng việc làm trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng lên và chiếm 33,67% năm 2030.
Đa số các ngành đều tăng nhu cầu sử dụng lao động trong đó, các ngành sẽ có nhu cầu tăng cao là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, Thông tin và truyền thông, Dịch vụ lưu trú và ăn uống, Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, Nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Ngành có nhu cầu giảm là khu vực NLNTS, Khai khoáng, Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tuy nhiên mức giảm không đáng kể.
Một số nhiệm vụ giải pháp cơ bản đến năm 2030
Căn cứ vào những dự báo trên, trong thời gian tới, việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, đó là:
(i) Đẩy mạnh cải cách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại;
(ii) Cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng cho người lao động, xây dựng và phát triển nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực đột phá/ngành kinh tế mũi nhọn;
(iii) Chuyển dịch và phân bổ lại lực lượng lao động hiện tại từ ngành nông nghiệp sang phi nông nghiệp và trong nội bộ các ngành;
(iv) Bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển nhân lực.
Chuyển dịch lao động phục vụ và đáp ứng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Các nhóm nhân tố tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế có thể tạo ra lực đẩy, nhưng cũng có thể là rào cản đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó tác động đến hiệu quả của quá trình dịch chuyển lao động và ngược lại, đây chính là lý do cần sự can thiệp và kiểm soát của Nhà nước tác động đến quá trình dịch chuyển này thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành như chính sách phát triển ngành/khu vực, chính sách đầu tư và chính sách lao động.
Do đó, để thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
  1. 1.     Hoàn thiện cơ chế chính sách:
- Để phát huy tác động tích cực của các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCLĐ diễn ra nhanh, hợp lý và bền vững, cần quan tâm hoàn thiện và thực thi có hiệu quả một số chính sách như: chính sách thu hút đầu tư, chính sách phát triển ngành, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách giải quyết việc làm..
- Thực hiện chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế không chỉ có ý nghĩa chuyển dịch CCKT ngành theo mục tiêu CNH, HĐH mà còn tạo nhu cầu cũng như khả năng và điều kiện đẩy mạnh chuyển dịch CCLĐ theo ngành ngày càng hợp lý và phát huy hiệu quả vai trò NLLĐ đối với tăng trưởng và phát triển KT - XH. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
          2.  Phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp. Chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồn học sinh và liên thông đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động. Kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo; xây dựng các chuẩn đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.  
          - Mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo: Lựa chọn mở rộng quy mô đào tạo từ đó tăng nhanh tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong tổng lao động xã hội;
          - Chú trọng hình thành thị trường dịch vụ đào tạo GDNN, đào tạo kỹ năng nghề ngay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để giảm chi phí đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất;
          - Thu hút nhân tài: Cần có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đến công tác và làm việc lâu dài ở các địa phương.
          - Tiến hành xã hội hóa sâu rộng trong GDNN là điều kiện căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo.
          - Thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trong những lĩnh vực công nghệ cao về làm việc tại Việt Nam…
          3. Cải cách kinh tế và tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nền kinh tế:
          - Phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Cần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu khoa học trong nước với ngoài nước. Đây là giải pháp tốt nhất để khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong thời gian tới.
          - Cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản để Việt Nam thành một nơi thu hút và tạo những sản phẩm có hàm lượng KHCN cao. Bên cạnh đó cần tạo những sản phẩm để các nhà đầu tư đưa vào ứng dụng được sản xuất tại Việt Nam (make in VietNam).
          - Ứng dụng KHCN để cung cấp một số nông sản có chất lượng cao cho thế giới; bên cạnh đó ứng cụng KHCN cũng là điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
          4.  Phát triển thị trường lao động nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động:
Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung -cầu lao động trên thị trường, có giải pháp phân bổ lao động phù hợp theo vùng nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực. Tăng cường kỹ năng cho người lao động; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ, thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động (kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động. 
          -  Phát triển hệ thống định hướng nghề nghiệp tại các trường phổ thông, các đơn vị làm công tác hướng nghiệp
          - Duy trì và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm địa phương, thông qua tổ chức các sàn GDVL của TTLĐ ở các tỉnh/địa phương, đặc biệt ở địa phương có TTLĐ sôi động.
          - Ứng dụng kỹ thuật số trong vận hành TTLĐ (dashboard), có trung tâm điều hành và các điểm cầu/trạm quan sát để thông tin kịp thời và tham mưu cho nhà quản lý trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực./.
         Th.S Trần Quang Chỉnh – Th.S Nguyễn Thị Hải     

                                                                                                                                                                                                                        Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

 
Từ khóa: