Xã hội
Đắk Lắk: Ghi nhận những kết quả trong công tác trợ giúp người cao tuổi
08:38 PM 19/07/2021
(LĐXH) - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp người cao tuổi nhằm giúp cho đối tượng sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

 
Người cao tuổi được quan tâm chăm sóc đầy đủ về sức khỏe, tinh thần, vật chất
Đắk Lắk là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có diện tích đất tự nhiên hơn 13.000 km2; dân số khoảng 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng chung sống. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 167.234 người cao tuổi (NCT), chiếm 8,95% dân số của tỉnh; số hội viên Hội người cao tuổi là 137.049 hội viên.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác người cao tuổi. Hàng năm, các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động xây dựng kế hoạch và lồng ghép công tác người cao tuổi trong các chương trình của ngành và địa phương để triển khai thực hiện. Trong công tác tuyên truyền, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012- 2020, tỉnh đã đưa hơn 1.400 tin tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình và 2.800 lượt tin trên đài phát thanh của các xã, phường, thị trấn; treo 700 băng rôn, khẩu hiệu tại các trục đường chính, khu đông dân cư với nội dung “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”, “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phốc tổ chức và lồng ghép các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho 586 lượt người là công chức, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội cấp huyện, cấp xã và tại các cơ sở trợ giúp xã hội, 263 cán bộ hội người cao tuổi các cấp; thực hiện treo 45 băng rôn và 445 cờ phướn tuyên truyền các nội dung liên quan đến người cao tuổi nhân ngày Người cao tuổi Việt Nam 06/6; tổng kinh phí thực hiện 1,456 tỷ đồng.
Ngành Y tế phối hợp với Hội người cao tuổi các cấp tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Tăng cường công tác truyền thông, thực hiện tư vấn, hướng dẫn kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khoẻ cho NCT và gia đình NCT tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu như trạm y tế các xã/phường/thị trấn. Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 263 lớp tập huấn với 21.568 lượt người cao tuổi tham gia về Luật Người cao tuổi, thi hành Điều lệ Hội, xây dựng Quỹ hội, phòng chống tội phạm, phong trào xây dựng nông thôn mới và một số kỹ năng cần thiết để thành lập và quản lý câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.
Nhiều người cao tuổi trong tỉnh đã phát huy vai trò trong các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Cùng với đó, tỉnh chú trọng hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 49.265 người cao tuổi đang trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh, trong đó có 4.646 người làm kinh tế giỏi; 384 người là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp. Giai đoạn 2012 – 2017, có 50 người cao tuổi được khen thưởng trong phong trào thi đua “Người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi”. Người cao tuổi là trụ cột tinh thần của gia đình, dòng tộc, có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cháu xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa, hiếu học, thực hiện phong trào “Tuổi cao – gương sáng”, “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của địa phương, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đẩy mạnh các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch của người cao tuổi và tham gia xây dựng, phát triển gia đình bền vững.
Toàn tỉnh có 117/184 xã, phường, thị trấn thành lập Qũy chăm sóc người cao tuổi, đạt tỷ lệ 63% số xã, phường, thị trấn với số tiền huy động được là 6.416,445 triệu đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 138.888 người cao tuổi có thẻ BHYT (trong đó có 96.770 người cao tuổi được cấp, 42.118 người cao tuổi tự nguyện hoặc được hỗ trợ mua); 02 bệnh viện có khoa Lão khoa; 35 phòng điều trị riêng cho người cao tuổi; 48.794 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, 38.420 lượt người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm và 69.853 người cao tuổi được phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe theo quy định.
Thực hiện cuộc vận động “Mắt sáng cho người cao tuổi”, Ban đại diện Hội người cao tuổi các cấp phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk thực hiện khám mắt cho 21.147 người cao tuổi; chữa mắt miễn phí cho 4.351 người cao tuổi nghèo, không có thẻ bảo hiểm y tế, kinh phí thực hiện 3.917 triệu đồng.
Về chăm sóc đời sống vật chất và bảo trợ xã hội, các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên chủ động thống kê, rà soát, thiết lập hồ sơ người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng để giải quyết chính sách bảo trợ xã hội theo Luật Người cao tuổi và các văn bản liên quan. Từ năm 2012 – 2019, trên địa bàn tỉnh có 168.481 lượt người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, kinh phí thực hiện 456.316 triệu đồng, trong đó 165.651 lượt người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí thực hiện 464.879,9 triệu đồng; 2.830 lượt người cao tuổi nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 21.574 người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, kinh phí thực hiện 30.607,88 triệu đồng (21.349 người người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hàng tháng; 225 người cao tuổi nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng); có 21.309 người cao tuổi đang hưởng lương hưu, 6.892 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
 Bên cạnh các chế độ, chính sách, hoạt động được nhà nước đảm bảo cho người cao tuổi, việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực công tác người cao tuổi được thường xuyên duy trì. Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi hàng năm các địa phương và Hội người cao tuổi các cấp đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ 9.885 xuất quà để tặng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, với tổng kinh phí 3.203,4 triệu đồng.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2 cơ sở trợ giúp xã hội đang chăm sóc, nuôi dưỡng 75 người cao tuổi; trong đó, có 1 cơ sở công lập (Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh) và 01 cơ sở ngoài công lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội Chùa Bửu Thắng II) cả 02 cơ sở được thành lập theo đúng quy định. Riêng, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 73 người cao tuổi (có 56 người cao tuổi khuyết tật), mức trợ cấp hàng tháng là 1.080.000, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được cung cấp vật dụng sinh hoạt hằng ngày, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...
Đề thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc người cao tuổi, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tập trung phát huy vai trò, kinh nghiệm, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia có hiệu quả vào các hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục, kinh tế, chính trị phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi. Tăng cường sức khoẻ về thể chất và tinh thần của người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất của người cao tuổi; hoàn thiện chính sách trợ giúp và bảo trợ xã hội hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ và cơ sở chăm sóc người cao tuổi, chú trọng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số./.
Hồng Phượng
Từ khóa: