Để mọi người có công đều được chăm sóc, tôn vinh
(LĐXH)- Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Đó là chính sách đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc. Suốt chặng đường vừa qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được chúng ta triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều bước đột phá
Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Theo đó, hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện, trong đó phải kể đến Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, nâng cao để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp đoàn người có công tỉnh Bình Dương, tháng 12/2022
Đặc biệt, công tác xác nhận người có công với cách mạng nói chung, xác nhận liệt sĩ nói riêng qua nhiều thời kỳ luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ tới các bước công việc cụ thể từ cơ quan công an, quân đội, cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các Bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ, đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ, đến nay cả nước đã xem xét giải quyết trên gần 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý, đến nay không có khiếu nại, tố cáo. Điều đó đã góp phần tích cực động viên, tri ân các gia đình có công với cách mạng được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Ngay trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình xác nhận 387 liệt sĩ, trong đó có những trường hợp hết sức cảm động như: Cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An khi đã 61 tuổi. Tài liệu tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cho thấy cụ bị địch bắt giam, số tù 749 khi tham gia hoạt động cộng sản cùng đồng đội, bị địch tra tấn dã man, cụ đã hy sinh trong nhà lao vào ngày 27/9/1931 (đến nay đã trên 91 năm); Liệt sĩ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, là Tiểu đội trưởng Đội Cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, là người đã dùng súng tự chế xông ra giữa lộ bắn vào đội hình, chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội…
Có thể khẳng định, việc tập trung giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng qua các thời kỳ được coi là một bước đột phá lớn của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là một kết quả ấn tượng trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng, tạo được niềm tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Để tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tiếp tục giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công với cách mạng.
Lan tỏa hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Tri ân, tôn vinh cũng như chia sẻ với sự mất mát và nỗi đau của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, suốt chặng đường vừa qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", ''Uống nước nhớ nguồn'', "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng"… Nhiều chủ trương, chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung.
Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên gần 1,2 triệu. Hằng năm, khoảng 106.000 lượt người có công được điều dưỡng tập trung và gần 387.000 lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sỹ...
Cùng với đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng huy động từ rất nhiều nguồn lực khác nhau, chung sức đồng lòng xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hằng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ cũng như giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
Có thể khẳng định, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa; góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.
Chỉ tính trong 05 năm trở lại đây, từ phong trào này đã tiếp nhận sự ủng hộ gần 5.600 tỉ đồng, xây mới gần 39.000 căn nhà, sửa chữa hơn 24.650 căn nhà với tổng số tiền hơn 2.265 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã hỗ trợ 393.707 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí là 10.654 tỉ đồng, tặng 61.654 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 104 tỉ đồng. Đồng thời, đã xóa trên 16.000 hộ người có công thuộc diện nghèo…
Thời gian tới, phát huy những kết quả, thành tựu đạt được và triển khai công tác “Đền ơn đáp nghĩa” có chiều sâu, thực chất và hiệu quả, toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công; nỗ lực cao hơn chăm lo các gia đình người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Cùng với đó, thường xuyên tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với cách mạng đã nêu cao phẩm chất cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên trong công tác, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách, bảo đảm quyền lợi của người có công.
Toàn ngành nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực quản lý nhà nước, rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh. Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả với các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; cập nhật và lưu trữ thông tin về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những người làm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công./.
Nguyễn Bá Hoan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Từ khóa:
-
Khái niệm và nguồn liên quan đến hỗ trợ công nghệ trong phân tích nguồn nhân lực
02-12-2024 14:18 20
-
Rào cản của trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
28-11-2024 11:54 23
-
Tổng quan nghiên cứu về công nghệ thực tế ảo trong quản trị nguồn nhân lực
26-11-2024 10:44 33
-
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
26-04-2024 09:27 43
-
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
25-04-2024 20:36 52
-
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
23-04-2024 10:41 21
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01