Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở Vụ Bản
(LĐXH) – Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn nông dân trên địa bàn huyện Vụ Bản (Nam Định) đã đầu tư nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp… góp phần phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững
Hàng năm, trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của huyện lập, Ngân hàng CSXH huyện xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chủ động tiếp cận nắm bắt nhu cầu, tư vấn hướng dẫn cho vay. Chỉ đạo 251 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) họp bình xét đối tượng cho vay trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo điều tra và được UBND các cấp phê duyệt bảo đảm dân chủ, công khai. Do vậy nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH luôn đến đúng đối tượng, các hộ được vay sử dụng vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo cơ hội phát triển kinh tế gia đình bền vững… Tính đến hết quý I năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt gần 184 tỷ đồng với 8.150 khách hàng còn dư nợ. 3 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đã hỗ trợ tạo điều kiện cho 418 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó có 51 hộ cận nghèo, 6 hộ nghèo, 18 hộ mới thoát nghèo, 340 hộ vay đầu tư cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và 3 hộ vay vốn giải quyết việc làm. 100% tổ TK và VV có số dư tiền gửi tiết kiệm, đạt tổng số 9,6 tỷ đồng. Nhiều xã đã sử dụng tốt nguồn vốn tín dụng chính sách giúp đỡ các hộ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững ở các xã như: Tam Thanh với dư nợ 15,3 tỷ đồng; Minh Thuận với dư nợ gần 14,1 tỷ đồng; Liên Minh dư nợ đạt gần 13,3 tỷ đồng.
Tính riêng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 63,5 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt gần 14 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt gần 34,5 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt gần 15,2 tỷ đồng… Để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn vay, sau một tháng kể từ ngày giải ngân vốn, Ngân hàng CSXH huyện phân công cán bộ tín dụng phụ trách xã, thị trấn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đến trực tiếp các hộ được vay vốn để kiểm tra việc sử dụng vốn theo cam kết trong hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ TK và VV phân công cán bộ tiếp cận các hộ gia đình vay vốn để động viên và hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Hàng năm, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với tổ trưởng các tổ TK và VV thực hiện đối chiếu dư nợ của tất cả các hộ vay vốn theo quy định, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở những hộ có sai phạm trong sử dụng vốn vay, chậm nộp tiền lãi, chậm trả tiền gốc theo quy định, góp phần bảo toàn nguồn vốn vay. Mặt khác, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và lập kế hoạch kiểm tra hàng quý, hàng năm. Tổ chức tập huấn các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn về tín dụng chính sách, công tác kiểm tra, kiểm soát; công tác quản lý tổ TK và VV; cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách tín dụng mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng CSXH Việt Nam… cho đội ngũ cán bộ các đoàn thể, tổ trưởng tổ TK và VV. Chỉ đạo các tổ TK và VV thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, tập trung giải ngân các chương trình tín dụng được bổ sung nguồn, duy trì, đổi mới nội dung, phương pháp giao ban giữa Ngân hàng và đơn vị nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ TK và VV theo định kỳ để đánh giá kết quả hoạt động và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, phát huy những kinh nghiệm tốt.
Xã Tam Thanh là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Hiện nay, toàn xã có 559 hộ đang có dư nợ tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện. Trong đó, Hội Nông dân xã nhận ủy thác cho vay 203 hộ, với tổng dư nợ hơn 5,8 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đều tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Giữa năm 2019, chị Trần Thị Đượm được Hội Nông dân xã tín chấp cho vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH để đầu tư nuôi cá nước ngọt truyền thống các loại như trắm, trôi, mè, chép… với tổng diện tích 2,2 mẫu. Được hỗ trợ vốn, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trong nuôi thủy sản do Hội Nông dân xã tổ chức và áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, đàn cá của gia đình chị phát triển tốt, đạt trọng lượng tối ưu. Sắp tới, gia đình chị sẽ thu hoạch hơn 6 tấn cá, ước tính trừ chi phí, chị trả được nợ ngân hàng và vẫn có lãi.
Dẫn chúng tôi đi xem đàn lợn mới tái nuôi, ông Nguyễn Văn Khuê, Tổ trưởng tổ TK và VV xóm Trung Cấp cho biết: Dịch tả lợn châu Phi làm gia đình tôi phải tiêu hủy hơn 20 con lợn. Kinh tế gia đình lúc đó hết sức khó khăn. Thông qua Hội Nông dân xã, ông đã được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để đầu tư tái đàn lợn và nuôi thêm 2 con bò. Ông Khuê phấn khởi nói: Nguồn vốn vay kịp thời của Ngân hàng CSXH huyện đã giúp tôi vượt qua thời điểm khó khăn, tiếp tục vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Ông mong muốn thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn ưu đãi thêm nhiều gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn xã được vay vốn để có thể vươn lên bằng lao động chính đáng.
Về thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản hỏi tới anh Triệu Đình Hợi hầu như ai cũng biết bởi anh đang rất thành công với mô hình nuôi thỏ. Năm 2018, thông qua Hội Nông dân xã, anh Hợi đã được tiếp cận 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi hỗ trợ việc làm từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản. Cùng thời điểm đó, được sự giới thiệu của Ngân hàng CSXH huyện, anh đã ký kết hợp đồng với Công ty NIPONGZOKY - một công ty của Nhật Bản chuyên thu mua thỏ phục vụ cho việc chế tạo vacxin. Có nguồn vốn để đầu tư và không phải lo sản phẩm đầu ra, anh quyết định nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại, mua sắm trang thiết bị, máy móc và chuyên tâm chăm sóc đàn thỏ.
Không phụ những cố gắng nỗ lực của bản thân anh và gia đình, đàn thỏ sinh trưởng phát triển tốt. Sau 2 năm vay vốn Ngân hàng CSXH anh Hợi đã có 6.000 con thỏ, trong đó 800 con thỏ bố mẹ. Hàng tháng, anh xuất cho công ty từ 1.500-1.600 con thỏ thương phẩm, mỗi con có trọng lượng 2,2kg, giá 187 nghìn đồng/con. Tổng thu hàng tháng đạt khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, nhân công lao động, khấu hao chuồng trại… còn khoảng trên 65 triệu đồng/tháng. Mô hình nuôi thỏ của anh Hợi đã tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động với mức lương 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa vững chắc, trở thành một trong những động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng./.
Hưng Cảnh
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58