Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, hết lòng thương yêu, quý trọng, phục vụ nhân dân. Đối với Người, từ việc nhỏ đến lớn đều vì dân, ở bất kỳ cương vị nào - Người cũng vì dân mà phục vụ, theo Bác “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(1). Hồ Chí Minh có tấm lòng nhân ái, vị tha, bao dung nhân hậu, di chúc của Người thể hiện tình thương yêu vô hạn “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”(2) . Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và hết sức khiêm tốn của Người, điển hình về thực hành tiết kiệm, trong ăn mặc ở, đi lại và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày, đã trở thành thói quen thường ngày của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách tư duy khoa học, cách mạng, độc lập tự chủ và sáng tạo, Người dùng thực tiễn để khái quát kinh nghiệm thành lý luận và tác động trở lại để cải biến thực tiễn, Người có tầm nhìn xa trông rộng, tìm ra cái bản chất, tính quy luật, Người có nhiều dự báo thiên tài “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”(3)…
Với phong cách tư duy đổi mới sáng tạo, Người ví “Tư tưởng bảo thủ như là những sợi dây cột chân cột tay người ta”(4)… Về phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, rất khoa học, có kế hoạch và hiệu quả, Người làm việc gì cũng có nghiên cứu thu thập thông tin số liệu chính xác, Người thường không để ai phải đợi mình mà chủ động đến trước trong các cuộc họp.
Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh thể hiện sự tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lãnh đạo bằng nêu gương. Phong cách diễn đạt của Người thể hiện qua cách nói cách viết giản dị cụ thể thiết thực, ngắn gọn hàm súc, trong sáng và sinh động, lượng thông tin cao, Người thường nhấn mạnh khi nói khi viết, hiểu rõ nói và viết đúng đối tượng, mục đích cụ thể và cách thức phù hợp, khoa học và quan trọng là cần nói và viết ra được nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh được thể hiện nhất quán trong các mối quan hệ với tự mình, với công việc và với mọi người - đức tính khiêm tốn, hòa đồng, xóa đi mọi khoảng cách của người lãnh tụ và nhân dân, mỗi khi Bác ở đâu là ở đó niềm vui, phấn khởi nhân lên. Phong cách sinh hoạt đời thường của Hồ Chí Minh rất giản dị, ăn uống đạm bạc, điều độ, bình dân mang tính truyền thống dân tộc, mỗi khi ăn xong Người thường tự sắp xếp lại mâm bát gọn gàng. Bác rất giản dị, Bác thường dùng bộ quần áo bằng kaki, đôi dép cao su, cổ áo và tay áo đã sờn…; việc gì có thể làm, Bác đều tự làm lấy không phiền đến người khác
Vì sao phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị quý báu của truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết số 24C/18.65 của UNESCO đã khẳng định, Người là “Một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội”, đồng thời “Là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”(5)…
Học tập, vận dụng, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam - nền tảng tư tưởng lý luận mang tính khoa học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cách mạng Việt Nam(6). Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, việc học và làm theo một cách tự giác, thường xuyên của cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị xã hội các cấp trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, đoàn viên hội viên.
Việc học tập này góp phần hình thành nền tảng đạo đức mới, hạn chế những tác động tiêu cực của đời sống xã hội hiện nay cũng như góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, ngăn chặn đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”(7), đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Người học nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng con người “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nội dung chủ yếu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và toàn xã hội phải nắm vững hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Cần phải nắm nội dung cốt lõi về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và có tinh thần quốc tế trong sáng.
Học tập phong cách tư duy độc lập, tự chủ sáng tạo luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn, phong cách làm việc dân chủ, khoa học cụ thể, phong cách ứng xử đầy tính nhân văn thấm đậm tinh thần dân tộc; phong cách nói đi đôi với làm, nói và viết ngắn gọn dễ hiểu dễ nhớ dễ thực hiện; sống thanh cao trong sạch giản dị; phong cách quần chúng dân chủ, tự mình nêu gương. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sự thống nhất cả trong tư tưởng và hành động - cần phải được quán triệt nghiêm túc. Việc tổ chức học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải đưa vào chương trình kế hoạch hành động cụ thể, nội dung sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức Đảng, đoàn thể, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết vấn đề thiết thực ở từng địa phương, cơ quan đơn vị.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá bình xét phân loại cán bộ, Đảng viên, tổ chức Đảng hàng năm là lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học và làm theo trước của cán bộ, Đảng viên. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức người cán bộ ở từng địa phương, cơ quan đơn vị, các ngành các cấp, tổ chức đánh giá việc thực hiện, rút ra bài học thực tiễn.
Đối với ngành giáo dục, cần hoàn thiện biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy phù hợp với từng cấp học. Các em học sinh sinh viên cần phấn đấu học tập, rèn luyện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng pháp luật, có ý thức tổ chức, kỷ luật trong học tập, lao động và sinh hoạt hàng ngày; không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức, đức tính cần kiệm, liêm chính, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người; chống lãng phí, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động của Đoàn TNCS HCM, của nhà trường nhằm phát triển bản thân mỗi ngày, học tập, làm việc có ích cho xã hội; biết kết hợp học lý thuyết và thực hành với tư duy sáng tạo; không ngừng nâng cao trình độ, hội nhập quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn con người mới, tri thức mới, quyết tâm, xây dựng, phát triển đưa nước ta lên tầm cao mới.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thịnh
Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 6
Tài liệu tham khảo:
(1) Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh
(2, (3) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1965)
(4) Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13/2/1962
(5) Nghị quyết số 24C/18.65 năm 1987 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(6) Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27/03/2003 của Ban Bí thư Trung ương (Khóa IX); Chỉ thị số 06-CT/TW (11-2006) của Bộ Chính trị (Khóa X); Chỉ thị 03-CT/TW (5-2011) của Bộ Chính trị (Khóa XI); Chỉ thị số 05-CT/TW (6-2016) của Bộ Chính trị (Khóa XII)
(7) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XIII)
-
Nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay
14-01-2025 14:35 56
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Ông Trần Quản Quốc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM
09-09-2024 12:21 43
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10