Nghiên cứu - trao đổi
Hội thảo “Phổ cập Hiểu biết số: Tăng cường Kỹ năng số cho cộng đồng”
10:44 AM 14/10/2022
(LĐXH) - Ngày 13/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Số Quốc tế diễn ra từ ngày 11-14/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) tổ chức Hội thảo “Phổ cập Hiểu biết số: Tăng cường Kỹ năng số cho cộng đồng”.
Hội thảo là nơi mà đại diện các Tổ chức thảo luận về kỹ năng và năng lực cơ bản cụ thể mà một công dân cần được trang bị để sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long cho biết: “Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về kỹ năng số với phương thức, loại hình khác nhau. Trong đó, hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đang được triển khai tại các thôn, xã và địa phương tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Theo đó, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng, ứng dụng số tại Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp hưởng thụ được sự tiện lợi cũng như lợi ích của công nghệ số đem lại. Để đạt được mục đích này, mỗi người dân phải trở thành công dân số, biết cài đặt và sử dụng ứng dụng, nền tảng trên các thiết bị công nghệ hiện nay”
Tại hội thảo, các tổ chức quốc tế UNESCO, UNICEF, ITU đã đưa ra các định nghĩa, khuyến nghị cũng như khung tham chiếu để các quốc gia tham khảo và xây dựng Chiến lược Quốc gia về trang bị “biết số” cho cộng đồng. Một số doanh nghiệp công nghệ, tiên phong như Microsoft đã xây dựng và cung cấp miễn phí nguồn học liệu, và lộ trình đào tạo về “biết số” bằng 12 ngôn ngữ trong đó có Tiếng Việt.
Trong xã hội trước đây, “biết đọc – biết viết” là kỹ năng cơ bản mà con người cần để có thể nắm bắt, trao đổi thông tin với nhau. Trong kỷ nguyên số hiện nay, khi các hoạt động trong xã hội đang dần được chuyển đổi sang hình thức trực tuyến, dịch vụ số và các nguồn tin tức trên mạng ngày càng phong phú và chiếm ưu thế, việc tiếp cận các nguồn này trở nên quan trọng đối với sự phát triển của một công dân. Theo đó, ngoài việc trang bị kỹ năng cần thiết “Biết đọc, biết viết”, công dân cần được trang bị thêm kỹ năng cơ bản nữa đó là “biết số” – “digital literacy” để sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Bà Lesley Miller Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
Bà Lesley Miller - Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo: “Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đánh giá cao các mục tiêu được nêu trong Chiến lược quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 về chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam. Nằm trong top 50 quốc gia hàng đầu thế giới về chính phủ điện tử, Việt Nam đang ngày càng chú trọng việc thúc đẩy kỹ năng số trong cộng đồng theo đó nâng cao trình độ, năng suất lao động song song với phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ngoài ra, kiến ​​thức kỹ thuật số đem lại thông tin cần thiết, sự hiểu biết và nhu cầu kết nối của một công dân. Theo đó, công dân sẽ thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin của xã hội, bao gồm cả nhu cầu của thị trường lao động.”
Biết sử dụng các thiết bị số và ứng dụng phần mềm kết nối thông qua giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng giúp cộng đồng hướng tới tương lai “sẵn sàng số”. Nhưng quan trọng hơn là cần trang bị cho người dân những kỹ năng và bí quyết để có thể sử dụng thành thạo những sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhất hiện nay. Để đạt được điều đó, người dân cần có kỹ năng, sự tự tin và động lực để sử dụng công nghệ.
Mặt khác, truyền thông số ngày càng trở thành nguồn thông tin chính, đặc biệt với giới trẻ, thì nguy cơ trở thành nạn nhân của Tin giả hay bị định hướng tư duy bởi truyền thông, quảng cáo ngày càng lớn.
Những thông điệp của truyền thông thường xuất hiện với tư cách một bằng chứng của sự thật. Nhưng trên thực tế, người ta đã sử dụng âm thanh, hình ảnh và ngôn từ với “ngữ pháp” riêng để diễn đạt những khái niệm, tư tưởng mang nhiều lớp ý nghĩa. Bởi vậy người dân cần được trang bị kỹ năng khác nữa đó là năng lực tiếp nhận, đánh giá, phân tích thông tin và tạo ra các sản phẩm truyền thông.
Toàn cảnh Hội thảo
Để phổ cập “biết số” đến mọi người dân trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, cần sự tham gia, xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của các bên liên quan bao gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông. Đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em cần không chỉ am hiểu công nghệ mà còn cần am hiểu thông tin để bước vào thời đại kỹ thuật số.
Hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường Kỹ năng số cho cộng đồng” đưa ra quan điểm tổng thể và các khuyến nghị của quốc tế cũng như phân tích hiện trạng và nhu cầu tại Việt Nam để tìm kiếm giải pháp thúc đẩy Phổ cập hiểu biết số tại Việt Nam một cách hiệu quả và tích cực hơn./.
Nguyễn Hoàng
Từ khóa: