Nghiên cứu - trao đổi
Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
08:31 AM 27/05/2023
(LĐXH) - Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều tác động tiêu cực và phức tạp từ biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng thế giới, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh trở thành xu thế có tính tất yếu tại mỗi quốc gia. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam xác định, phát triển kinh tế xanh chính là con đường để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo năm 2023 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu cho thấy, nhiệt độ bề mặt toàn cầu giai đoạn 2011-2020 cao hơn 1,1 độ C so với giai đoạn 1850-1900. Phát thải khí nhà kính toàn cầu tiếp tục gia tăng, xuất phát từ việc sử dụng năng lượng không bền vững, sử dụng đất và thay đổi mục đích sử dụng đất, lối sống của con người, mô hình tiêu dùng và sản xuất tại các khu vực, quốc gia và giữa các cá nhân. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến điều kiện thời tiết và khí hậu cực đoan ở mọi khu vực trên toàn cầu. Điều này dẫn đến những tác động tiêu cực trên diện rộng và những thiệt hai về thiên nhiên và con người. Có khoảng 3.3 đến 3.6 tỉ người trên thế giới sống trong điều kiện dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Cần lưu ý rằng sự tổn thương của hệ sinh thái và của con người có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến cho hàng triệu người đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất tại các cộng đồng ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ. Sự gia tăng các hiện tượng nhiệt độ cực đoan cũng dẫn đến tử vong và bệnh tật ở người, sự xuất hiện các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm và nguồn nước. Thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu được phát hiện trong các lĩnh vực liên quan với khí hậu, như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, năng lượng và du lịch. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính vì vậy, phát triển kinh tế xanh là con đường hiệu quả và nhanh nhất để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Kinh tế xanh là gì?
Kinh tế xanh được đề cập đến lần đầu tiên bởi các nhà kinh tế môi trường Anh vào năm 1989, sau đó chính thức được sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững vào tháng 6/2012 tại Rio de Janeiro, Brasil. Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên hợp quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Trong nền kinh tế xanh, song song với việc phát triển kinh tế, yếu tố được coi trọng không kém là phát triển bền vững. Trong đó có thể kể đến các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải carbon, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái.
Ảnh minh họa
Chính sách phát triển kinh tế xanh của Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”. Mục tiêu chung được Chính phủ đặt ra là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, có ba nhiệm vụ chiến lược được đề ra: Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thứ hai, xanh hóa sản xuất; Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng. Như vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh là một nội dung quan trọng trong đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Trong tất cả các lĩnh vực, các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai, góp phần làm giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/ năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng cao; từ đó tạo làn sóng về đầu tư vào phát triển xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện rác…
Cơ hội phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Trong giai đoạn 2011-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt nam đạt trung bình 5,65%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021 có sự sụt giảm khá lớn, chỉ đạt 2.91% và 2.58%. Tuy nhiên, năm 2022 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng đạt 8%, vượt mức trung bình 7.1% trong giai đoạn 2016-2019. Điều này có thể lý giải bởi hiệu ứng cơ sở thấp và sự phục hồi tiêu dùng cá nhân trong nước sau đại dịch, cũng như sự phục hồi trong sản xuất và xuất khẩu. Trong dự báo về tăng trưởng các nước ASEAN, OECD nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6.6% trong năm 2023 và ở mức tương tự trong năm 2024 nhờ có động lực từ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chế tạo, dệt may, giày dép. Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa Covid-19 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Như vậy, định hướng của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế xanh hoàn toàn có cơ hội hiện thực hóa dựa trên tình hình tăng trưởng kinh tế hiện tại.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, với tổng vốn đạt 7.4 tỷ đôla. Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới. Một ví dụ tiêu biểu là dự án điện gió Đầm Nại tại Ninh Thuận, được vận hành với giai đoạn đầu tiên từ năm 2017, với tổng công suất 40MW và 16 trụ tua bin, hàng năm cung cấp khoảng 110 triệu kWh cho lưới điện quốc gia. Theo báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021, với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và năng lượng gió phong phú, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng chuyển đổi xanh lớn nhất trong khu vực và sẽ là một trung tâm về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đã gây ấn tượng mạnh và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cho thấy quyết tâm của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất tăng lên không quá 1.5 độ và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong nông nghiệp, có thể kể đến xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới do những tác động tích cực mà sản phẩm hữu cơ mang lại cho sức khỏe con người, cho môi trường và hệ sinh thái. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt khoảng 174,000 ha, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam hàng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới. Nếu như vào năm 2016, Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành phố triển khai nông nghiệp hữu cơ thì đến năm 2022, con số này đã tăng lên 62. Tuy vậy, thị phần của nông sản hữu cơ Việt Nam trên thế giới còn khá khiêm tốn, cho thấy dư địa phát triển của ngành còn rất lớn và cần triển khai những biện pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sự phát triển của nông sản hữu cơ Việt Nam.
Một số khó khăn, thách thức đặt ra
Đầu tư vào phát triển xanh đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ đô la Mỹ để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần huy động tới 70% từ các nguồn lực khác, mà chủ yếu là khu vực tư nhân.
Chuyển dịch phát triển theo hướng xanh đòi hỏi ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế. Các doanh nghiệp chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài; cũng như chưa có đủ nguồn lực tài chính để triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh.
Những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Ví dụ như thuế carbon của EU đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn quy định bởi EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon tại EU. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh còn hạn chế. Do đó, quá trình phát triển kinh tế xanh còn thiếu đồng bộ, thiếu toàn diện và gặp phải những rào cản về nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học và công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển trong lĩnh vực, sự chuyển dịch cấu trúc nguồn nhân lực sang hướng tăng trưởng xanh còn chậm
Một số đề xuất giải pháp nhằm phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp vào nền kinh tế xanh và hưởng lợi từ mô hình này. Xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế xanh theo từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng phát triển bền vững, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Xây dựng cơ cấu kinh tế xanh với ba trụ cột: nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo và khắc phục sự cố môi trường; xây dựng cơ chế báo cáo, phản hồi nhanh về môi trường; đưa ra các chế tài xử lý các hoạt động kinh doanh gây tổn hại đến môi trường.
Thứ hai, Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không vi phạm các quy định về ô nhiễm môi trường, khí hậu.
Thứ ba, cần bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển xanh đối với tương lai dài hạn, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nói chung. Tăng cường tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh.
Thứ tư, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng xanh. Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để đạt được các mục tiêu quốc gia về phát triển xanh. Đây là cơ sở giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo thanh khoản tài chính chuỗi cung ứng, giúp hỗ trợ vốn cho các dự án hạ tầng xanh. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị; cũng như học tập kinh nghiệm phát triển xanh của các quốc gia tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam.
Tài liệu tham khảo

1. Báo điện tử Chính phủ, 2023, OECD: Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, https://baochinhphu.vn/oecd-viet-nam-tiep-tuc-dan-dau-top-5-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-102230411091815374.htm

2. Country Economy, 2021, “Viet Nam reduced CO2 emissions”, https://countryeconomy.com/energy-and-environment/co2-emissions/vietnam

3. Đoàn Thị Cẩm Thư, 2022, “Phát triển kinh tế xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”, https://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm

4. Intergovernmental Panel on Climate change (IPCC), 2023, Climate change 2023 – Synthesis Report

5. Nguyễn Thị Thanh Thương, 2023, “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”

6. Nguyễn Thị Thanh Tâm, 2019, Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM156308

7. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, UNEP, doi:10.1063/1.3159605.

ThS. Trần Ánh Ngọc – Trường Đại học Thương mại