Quảng Trị: Đẩy mạnh phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2025
Thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 21/5/2021 về việc phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 132.000 đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ từ CTXH, chiếm gần 20% dân số, tập trung chủ yếu đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, người nghiện ma túy… Mặc dù nhu cầu hỗ trợ lớn nhưng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH lại mỏng, các dịch vụ xã hội chuyên nghiệp được cung cấp tại cộng đồng chiếm tỷ lệ rất ít, hình thức hoạt động thiếu tính đa dạng. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 cán bộ, nhân viên làm việc trong các lĩnh vực của tỉnh liên quan, tham gia vào mạng lưới nhân viên, cộng tác viên CTXH, hình thức hoạt động chủ yếu là công tác nhân đạo, từ thiện, tình nguyện, sự kêu gọi giúp đỡ của các tổ chức chính trị - xã hội, mạnh thường quân và một số cơ quan Nhà nước khác. Tuy nhiên, hầu hết đội ngũ làm công tác này chưa được đào tạo đầy đủ, chuyên sâu về nghề CTXH và các kiến thức liên quan khác; đội ngũ nhân viên hợp đồng từ các chương trình, đề án... chưa thật sự ổn định; đội ngũ cán bộ trẻ, cộng tác viên tại xã, phường, thị trấn cũng ngày càng tinh giảm và biến động thường xuyên nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng dịch vụ cung ứng. Các khuôn khổ chính sách, pháp luật về nghề được áp dụng vào thực tế còn hạn chế, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho công tác xã hội còn thấp, việc huy động nguồn lực của xã hội để trợ giúp và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân có vấn đề xã hội đạt hiệu quả chưa cao.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đặt ra là: Toàn tỉnh có đến 30% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó, có ít nhất 01 - 02 cán bộ, công nhân, viên chức CTXH thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định; ít nhất có 50% số cán bộ, công nhân, viên chức và công tác viên CTXH đang làm việc tại xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH, trại giam, hệ thống tư pháp, ngành Lao động - Thương binh và xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng CTXH; đạt cơ cấu tối thiểu 30% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ CTXH; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ CTXH năm 2025 tăng 20% so với năm 2020; ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, khuyết tật nặng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ CTXH phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Để nâng cao chất lượng công tác xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về CTXH. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng và ban hành “Sổ tay hướng dẫn kỹ năng CTXH” cho đội ngũ làm CTXH… Phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH. Khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; hỗ trợ các mô hình cung cấp dịch vụ CTXH toàn diện, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH. Trong đó thực hiện việc áp dụng ngạch, bậc lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và chế độ phụ cấp đặc thù khác đối với công chức, viên chức CTXH phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, bảo đảm tương quan giữa các ngành, nghề. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đội ngũ đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chính sách, pháp luật về CTXH.
Với những nỗ lực, quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, trong giai đoạn mới, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển CTXH phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả./.
Minh Hà
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58