Trách nhiệm của thanh niên khi tham gia không gian mạng
(LĐXH)- Cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, các nền tảng như: Facebook, Zalo, Youtube, Google… đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Với nhiều tiện ích to lớn, ứng dụng hữu ích, cùng tốc độ lan truyền nhanh chóng, mạng xã hội đã trở thành diễn đàn chia sẻ thông tin và phản biện xã hội của người dân trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Do có nhiều ưu thế nổi trội so với các phương tiện truyền thông truyền thống, nhất là tính siêu kết nối, tính mở, khó kiểm soát, tính nặc danh,… các phương tiện truyền thông trên không gian mạng đã và đang bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để phát tán những thông tin xấu độc có ảnh hưởng, tác động tiêu cực rất lớn tới xã hội, trong đó có nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Hằng ngày, trên các trang mạng xã hội, các kênh đài, các tờ báo không mang tính chính thống… các thế lực thù địch đã “sản xuất” ra hằng trăm, hằng nghìn bài viết, blog, hình ảnh, clip có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, sai trái, gây nhiễu loạn thông tin, hướng lái công chúng truyền thông hiểu sai lệch, gia tăng sự bất đồng thuận, kích động những tư tưởng bất mãn, phản kháng, chống đối với Đảng và Nhà nước.
Do đó, các thế lực thù địch luôn sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục thanh niên có các hành vi chống đối, bất hợp tác với chính quyền, tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Thực tiễn cho thấy, một bộ phận thanh niên đã có những biểu hiện phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, hút sách, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, chạy trường, mua bằng cấp. Thậm chí một số trí thức trẻ, sinh viên, học sinh bị ảnh hưởng, kích động đã hùa theo, đề cao cái gọi là “tự do ngôn luận”, “xã hội dân sự”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Đây là những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực không thể chủ quan, coi thường, đòi hỏi phải kịp thời nhận diện đúng đắn để có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và lên án mạnh mẽ. Bởi nó không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai của người trẻ mà còn gây nên những hệ lụy khôn lường đến tương lai của đất nước.
Với trách nhiệm của mình, khi tham gia không gian mạng, thanh niên phải là lực lượng xung kích, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cực đoan, thiếu thiện chí. Để làm được điều đó, thanh niên cần có nhận thức đúng đắn và hành động đúng đắn khi tham gia không gian mạng.
Về nhận thức
Trước hết, thanh niên cần hiểu rõ và tôn trọng sự thật lịch sử. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”; việc học sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Để hiểu rõ lịch sử, thanh niên cần tích cực tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử do các cấp, ngành tổ chức; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử thông qua sách và những cuộc thi tìm hiểu do các cấp, ngành phát động.
Thứ hai, thanh niên phải chủ động, tích cực học tập kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực, phẩm chất, đạo đức, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, tăng cường khả năng “miễn dịch”, nâng cao “sức đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu.
Để làm được điều đó, thanh niên cần phải tiếp cận được những nguồn tin qua các kênh truyền hình, báo chí chính thống; tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho thanh niên về việc nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt chuyên đề do Đoàn Thanh niên, Hội, Đội, những tổ chức chính trị - xã hội liên quan trực tiếp đến thanh niên tổ chức.
Từ đó, thanh niên sẽ có nhận thức đúng đắn khi tham gia không gian mạng, tăng cường khả năng “miễn dịch” trước sự lôi kéo, chống phá của các thế lực thù địch, hạn chế thấp nhất tác động ảnh hưởng tiêu cực của các nhóm thành phần lợi dụng không gian mạng. Những thông tin xấu, độc phát tán trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Căn cứ Điều 5, khoản 1, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định những hành vi bị cấm trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và những thông tin trên mạng, có thể phân biệt những thông tin xấu độc như sau:
- Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
- Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp Luật quy định;
- Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
- Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
- Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong các thông tin xấu độc trên không gian mạng, những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch tấn công trực diện vào những vấn đề lý luận cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng đặc biệt nguy hiểm. Hiện nay, sự chống phá này không chỉ ở diện rộng bằng những bài viết dung tục, thù hận, cực đoan một chiều như trước đây, các thế lực thù địch đầu tư xây dựng và sử dụng ngày càng nhiều bài viết đa tầng thông tin, đa quan điểm, với nhiều chiêu trò đánh tráo khái niệm, ngụy tuyên truyền hết sức tinh vi, ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và hành động của thanh niên.
Từ nhận thức đến hành động
Hành động đúng đắn của thanh niên khi tham gia không gian mạng được thể hiện trước hết ở việc nhận biết được các thông tin xấu, độc. Để làm được điều đó, thanh niên khi tiếp cận thông tin cần phải: (1) Lưu ý đặc điểm ngôn từ, phương thức diễn đạt; kiểm chứng cơ sở nguồn tin xem thông tin từ đâu đánh giá; (2) Tìm hiểu các thông tin tương tự trên các trang mạng khác, để đánh giá và đối chứng so sánh thông tin; (3) Hỏi người thân, người quen có uy tín về những thông tin đang còn phân vân, chưa rõ ràng; những thông tin khi xuất hiện làm tổn hại đến ý chí, sức khỏe và tính mạng của người khác…Khi gặp thông tin xấu độc trên mạng xã hội, thanh niên tuyệt nhiên không tin theo, không chia sẻ để tuyên truyền cho địch; có cách phản bác phù hợp theo trình độ, năng lực, hiểu biết của mình. Kịp thời phản ánh tới các cơ quan chức năng về những đối tượng chống đối, cơ hội, bất mãn chính trị đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, kích động trên internet, mạng xã hội; đồng thời, cảnh báo để người khác biết đó là tin xấu độc.
Từ nhận biết được các thông tin xấu, độc, thanh niên sẽ chọn lọc được những thông tin tích cực, thông tin tốt, thông tin đẹp để tiếp cận và chia sẻ, lan tỏa các thông tin tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đồng thời luôn chú trọng việc nâng cao văn hóa ứng xử, giao tiếp của bản thân trên môi trường mạng.
Trên không gian mạng, thanh niên phải tận dụng triệt để sức trẻ, khả năng sáng tạo để tạo nên những sản phẩm thông tin tốt, thông tin đẹp một cách đa dạng, mới mẻ, thu hút đông đảo công chúng; thường xuyên đăng tải các nội dung theo phương châm “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.
Mỗi tài khoản mạng xã hội của mỗi thanh thiếu cần phải trở thành một nguồn thông tin tin cậy, lành mạnh, tuyệt đối không chạy theo các trào lưu, xu hướng tiêu cực; kịp thời phát hiện, cảnh báo cho cộng đồng về các trang cung cấp thông tin xấu, độc, giả mạo, vi phạm pháp luật./.
Đàm Quang Thành
Từ khóa:
-
Khái niệm và nguồn liên quan đến hỗ trợ công nghệ trong phân tích nguồn nhân lực
02-12-2024 14:18 20
-
Rào cản của trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
28-11-2024 11:54 23
-
Tổng quan nghiên cứu về công nghệ thực tế ảo trong quản trị nguồn nhân lực
26-11-2024 10:44 33
-
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
26-04-2024 09:27 43
-
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
25-04-2024 20:36 52
-
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
23-04-2024 10:41 21
English Review
Minister Dao Ngoc Dung welcomed UNICEF Representative in Vietnam
English Review | 02-12-2024 08:51 01