Trang bị kỹ năng nghề cho thanh niên: Khởi nghiệp và phát triển bền vững
(LĐXH) - Nhằm tiếp tục nâng tầm kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trẻ cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo, tham dự các kỳ đánh giá kỹ năng nghề… giúp thanh niên chủ động gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp và phát triển sự nghiệp... Đó có thể được coi là thông điệp hữu hiệu của mỗi quốc gia trong bối cảnh cả thế giới cùng nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19…
Theo Ban Tổ chức: “Kỳ thi KNN quốc gia lần thứ 12 (đợt 2) được tổ chức đối với 09 nghề với tổng số 110 thí sinh dự thi (trong đó có 90 thí sinh là các học sinh viên và 20 thí sinh là giáo viên, nhân viên, người lao động) đến từ 29 đoàn trên toàn quốc. Mục tiêu của kỳ thi hướng đến là tiếp tục là cầu nối nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yaau cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và các thách thức trong bối cảnh bình thường mới... Đặc biệt, các nghề đăng ký tại kỳ thi cũng được xem là những gợi ý hướng nghiệp đáng tin cậy cho giới trẻ…”
Tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày kỹ năng thanh niên thế giới (15/7/2022), T.S Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh: “Với thông điệp của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay là: “Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, các cơ quan chức năng cần chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cũng như ý nghĩa, vai trò, giá trị của kỹ năng nghề đối với lao động trẻ trong phát triển nghề nghiệp và thích ứng với thị trường lao động. Tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề. Phát động các phong trào: “Thi đua học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng nghề thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Tổ chức khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, vinh danh các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên...”
Một số điểm mới của kỳ thi lần này là đối tượng được mở rộng theo quy định về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới bao gồm người lao động, người học, có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (tùy theo tính chất của từng nghề) đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp được các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội; Xã hội hóa đối với công tác tổ chức kỳ thi thông qua việc thu hút sự tham gia của các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp; Tôn vinh giá trị kỹ năng của người lao động; Có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức Việt Nam như: Điện toán đám mây; Phát triển ứng dụng di động; Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò... Bên cạnh đó, trong công tác kỹ thuật như biên soạn đề thi, chuyên gia, giám khảo, đánh giá, trao giải cũng có những đổi mới mang tính sáng tạo và thực tế...
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại Hội đồng thi số 2 - Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính, bài thi nghề Sơn ô tô được các thí sinh thực hiện bằng những kỹ năng và công nghệ mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, đề thi năm nay được thiết kế trên cơ sở các tiêu chí của đề thi kỹ năng nghề thế giới, ASEAN và kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia trước đây. Bài thi cụ thể là sơn cánh cửa ô tô, các thí sinh thực hiện kỹ năng trực tiếp trên sản phẩm qua các mô đun: làm nền; pha màu; sơn lót; sơn màu và đánh bóng. Đề thi là đề mở công khai, các thí sinh được làm quen với các trang thiết bị từ đầu…
Theo phân tích của một số chuyên gia về nghề công nghệ ô tô thì: “các nội dung kỹ năng trong đề thi lần này tương đối khó, bởi một sản phẩm đạt yêu cầu phải hội tụ được các kỹ năng điêu luyện của thí sinh. Ví dụ, làm nền mịn thì khi phun sơn mới đẹp, nhưng ngay cả khi làm nền đẹp mà kỹ năng phun sơn không tốt thì sơn có thể bị chảy thành vết rất khó sửa. Vì vậy, đòi hỏi thí sinh phải hoàn thiện tất cả các kỹ năng trong từng mô đun, đảm bảo mọi yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật…”
Kỳ thi đã diễn ra thành công, trong đó có các doanh nghiệp đồng hành, hợp tác về chuyên môn, kỹ thuật và tài trợ. Nhà trường chủ động trong công tác tổ chức đăng cai, nhân sự các tiểu ban, cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai các phương án an ninh, y tế… Đặc biệt, chất lượng kỹ năng nghề của thí sinh đã được đo lường chính xác bằng hiệu quả của chính đơn vị sử dụng lao động.
…đến trang bị kỹ năng nghề cho thanh niên khởi nghiệp…
Có thể khẳng định: Dấu mốc Ngày Kỹ năng Thanh niên thế giới (15/7/2015) đã giúp người lao động (trong đó đa phần là thanh niên), các tổ chức giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng, cơ quan đại diện, các nhà hoạch định chính sách và các đối tác… nhận thức vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng nghề trong bối cảnh bình thường mới...
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới về “Xúc tác giáo dục 4.0 năm 2022” và “Nguy cơ toàn cầu năm 2022” cho thấy: “Có gần 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học và phải thực hiện biện pháp khắc phục là học từ xa; Song hành cùng hậu Covid - 19 là sự mất cân bằng thị trường lao động, đặc biệt, hanh niên, phụ nữ và lao động có kỹ năng nghề thấp đã bị ảnh hưởng đáng kể; Ít nhất đến năm 2023, nền kinh tế toàn cầu mới có thể tạo ra số lượng công việc đã mất, nhưng trong số này dự kiến sẽ có nhiều công việc năng suất thấp và chất lượng kém…”
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hơp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp về phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên Việt Nam. Theo đó, Tổng cục GDNN xây dựng Đề án Nâng tầm Kỹ năng lao động Việt Nam, trong đó có ưu tiên lực lượng lao động trẻ. Tính đến hết quý I/2022, cả nước có khoảng 52 triệu người tham gia lực lượng lao động, trong đó lao động là thanh niên (tuổi từ 16 đến 30) chiếm 46%. Đây là lực lượng nòng cốt luôn đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Thực tế cho thấy, qua nhiều giai đoạn phát triển, thanh niên luôn là lực lượng nhạy bén trong đổi mới chính mình, thích ứng, thích nghi nhanh chóng để phát triển nhanh và bền vững hơn. Do vậy, chủ động thay đổi tư duy, cách thức làm việc, biến “nguy” thành “cơ” bằng cách không ngừng học hỏi và bổ sung những kỹ năng nghề mới sẽ giúp nhóm lao động trong độ tuổi thanh niên thích nghi với thời cuộc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Và giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp hỗ trợ giải quyết các khó khăn của nhóm đối tượng thanh niên thông qua việc cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng cho thanh niên đã từng thôi học, không có việc làm, không tham gia giáo dục, đào tạo…
Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy, tỷ lệ thanh niên ở nước ta có kỹ năng nghề hiện chỉ chiếm 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%. Lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.
Vậy làm gì để thúc đẩy và hướng thanh niên chú trọng tham gia vào quá trình nâng cao kỹ năng nghề? Đây có lẽ là câu hỏi mà một số chuyên gia đã lý giải: “Công tác đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động nói chung và lực lượng trẻ nói riêng phải tập trung bồi dưỡng, đánh giá, phát triển kỹ năng nghề cho lao động trẻ theo nhu cầu doanh nghiệp; thực hiện công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề...” Bên cạnh đó cần thực hiện một số nhóm giải pháp mang tính đồng bộ, cụ thể là:
- Thực hiện chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030, trong đó xác định rõ “Nhà nước có chính sách phổ cập nghề cho thanh niên...”, trong đó chú trọng đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, cấp CCKNNQG... Giáo dục toàn diện, chú trọng phát triển phẩm chất, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ...
- Đổi mới các phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt gắn với khung trình độ quốc gia và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người lao động yếu thế để nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp.
- Hỗ trợ kinh phí để tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm duy trì việc làm. Nâng cao chất lượng giáo viên cũng như nhà quản lý cũng như các chuyên gia hoạch định chiến lược trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng./.
Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Nâng cao văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho thanh niên hiện nay
14-01-2025 14:35 56
-
Kinh nghiệm của Indonesia về Đào tạo nghề nghiệp và cấp chứng chỉ dựa trên năng lực
20-12-2024 09:42 12
-
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nguồn nhân lực
08-12-2024 16:25 28
-
Ông Trần Quản Quốc giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM
09-09-2024 12:21 43
-
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
29-07-2024 10:47 19
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
14-05-2024 10:45 10
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31