Xã hội
Ứng dụng công nghệ 4.0 – Chuyển biến tích cực trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
09:46 AM 02/07/2021
(LĐXH) - Nghị quyết 28-NQ/TW và nghị quyết 125/NQ-CP cực kỳ quan trọng được ban hành chính là bước đà để chế độ an sinh xã hội tại Việt Nam có những bước cải thiện đáng kể kể từ năm 2018 đến nay.
Nghị quyết 28-NQ/TW cùng nghị quyết 125/NQ-CP, là chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW thể hiện quan điểm của Đảng & Chính phủ Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam về quan điểm tôn trọng sức khoẻ và quyền lợi của người dân, trong đó đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Đây chính là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Qua đó, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động cần tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội.
Qua đó, trong 2 nội dung nghị quyết này, Đảng và nhà nước Việt Nam chú trọng vào hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách bảo hiểm xã hội cơ bản, trong đó bao gồm: Chế độ hưu trí; Chế độ tử tuất; Chế độ ốm đau; Chế độ thai sản; Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; Bảo hiểm thất nghiệp… Qua đó từng bước được hoàn thiện, càng trở nên đồng bộ hơn để thực tế đất nước và quy định Quốc tế.
Ra quân tuyên truyền BHXH tự nguyện (Ảnh minh hoạ)
Một số mục tiêu cơ bản
Để có thể có hệ thống an sinh xã hội tốt, chính sách cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là điều cực kỳ cần thiết, để đảm bảo mở rộng vững chắc độ rộng bao phủ của bảo hiểm xã hội hướng tới lợi ích toàn dân.
Qua đó, hệ thống bảo hiểm xã hội khi được phát triển nên có tính đa dạng, đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế để đảm bảo tính bình đẳng, công bằng và bền vững.
Hơn thế nữa, đây chính là cơ hội để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, qua đó phát triển hệ thống thực hiện chính sách tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Giai đoạn 1 đến năm 2021:
Phấn đấu đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có: Nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Phổ cập cổng giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử với tỉ lệ đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%.
Nghị quyết 125/NQ-CP về hành động cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải chính chính sách bảo hiểm xã hội đã được Chính phủ ban hành ngày 08/10/2018 tại Nghị quyết 125/NQ-CP, qua đó nghị quyết 125/NQ-CP thể hiện chương trình hành động cụ thể như sau:
Sửa đổi các quy định về tiền lương để thuận lợi cho việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lượng của người lao động
Điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
Thí điểm thực hiện gói bảo hiểm tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng;
Quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và việc thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài;
Các cơ quan có liên quan trong đó bao gồm: Bộ Lao Động thương binh & xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Trung ương hội LHPN Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam & Trung ương hội nông dân Việt Nam. Theo đó, nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 8/10/2018. Nghị quyết 125/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký.
Với sự cố gắng nỗ lực để cải cách triệt để, trong những năm đầu tiên, Nghị quyết 28-NQ/TW cùng chương trình hành động nghị quyết 125/NQ-CP đã cho thấy những chuyển biến rõ ràng về hiệu quả hành động, rõ rệt nhất chính là ứng dụng Bảo hiểm xã hội điện tử đã được phổ biến trong bộ máy nhà nước, cơ quan doanh nghiệp đa ngành nghề, và sắp tới chính là sự có mặt của VSSID – Phần mềm trực tuyến tra cứu thông tin online dành cho người lao động.
Ngoài ra, các nhóm doanh nghiệp tư nhân cũng đã và đang dần chú trọng vào bảo vệ quyền lợi tuyệt đối cho người lao động, với chính sách bảo hiểm xã hội & y tế minh bạch, được thể hiện rõ ràng trong Hợp đồng Lao động và Phụ lục đi kèm.
Hơn thế nữa, ngoài nhóm bảo hiểm công, các ngành nghề đi kèm như phân phối bảo hiểm tư nhân với điều khoản mở rộng tốt, đảm bảo lợi ích cho người dân, cũng đã dần trở nên vững mạnh, qua đó cho thấy chế độ an sinh xã hội tại Việt Nam đang dần trở nên tốt hơn.

Bảo Hoàng

 

Từ khóa: