Xã hội
Yên Bái: Giảm nghèo bền vững từ những chính sách đặc thù
02:06 PM 07/12/2020
(LĐXH)- Giai đoạn vừa qua, vấn đề giảm nghèo bền vững được tỉnh Yên Bái triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đạt nhiều kết quả. Yên Bái đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ban hành một số chính sách trợ giúp xã hội đặc thù với mức hỗ trợ cao hơn quy định chung của Chính phủ.
Dành mọi nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
Yên Bái đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững để duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở, mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Trong năm 5 năm qua (2016 – 2020), Yên Bái đã huy động, ghép các nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với hơn 15.433 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 7.472 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 2.754 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi hơn 3.354 tỷ đồng; nguồn vốn huy động các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhân dân hơn 412 tỷ đồng; từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp đỡ các hộ nghèo với kinh phí thực hiện 10 tỷ 413 triệu đồng, giúp 3.403 hộ thoát nghèo...
Thời gian qua, Yên Bái đã phát huy lợi thế du lịch, từ đó đời sống người dân từng bước được nâng cao
Tỉnh đã đầu tư kinh phí gần 1.300 tỷ đồng xây mới và duy tu, bảo dưỡng hơn 700 công trình cho các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện 635 dự án phát triển sản xuất và 15 mô hình giảm nghèo cho 18.244 hộ tham gia, với 90.545 người được hỗ trợ; hỗ trợ 268.616 giống vật nuôi cho 11.710 hộ; hỗ trợ 6.656ha giống cây lương thực cho 22.232 hộ; hỗ trợ 2.734 máy móc cho 2.795 hộ...
Hỗ trợ 171 dự án phát triển sản xuất với trên 1.025 mô hình, gồm: 525 mô hình chăn nuôi dê sinh sản, lợn sinh sản; hỗ trợ giống cây con, phân bón để phát triển sản xuất và 500 mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản, chế biến nông sản với 1.641 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia.
Hỗ trợ hơn 2 nghìn tỷ đồng mua 2.186.395 bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo cải tạo, xây mới 30.000 nhà tiêu đạt chuẩn; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, chính sách đối với học sinh bán trú và trường bán trú với kinh phí hơn 1.393 tỷ đồng, bên cạnh đó, hỗ trợ 18.390 tấn gạo cho 138.582 lượt học sinh. Có 5.581 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng.
Cho 92.507 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn giảm nghèo hơn 3.608 tỷ đồng, để chăm sóc, cải tạo, trồng mới 49.302ha rừng, 1.956ha chè, 1.071ha cây ăn quả; mua 48.560 con trâu, bò; 41.250 con lợn, dê, cừu; hàng trăm nghìn con giống gia súc, gia cầm khác; mở rộng hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng sản xuất, đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ; làm mới và cải tạo 24.881 công trình nước sạch, 24.881 công trình vệ sinh cho hộ dân ở khu vực nông thôn...
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí khoảng 343 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000ha, vùng ngô 15.000ha, vùng trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 1.000ha, vùng cây ăn quả gần 9.000ha, vùng chè 8.000ha, măng tre Bát độ trên 6.600ha, quế gần 76.000ha, sơn tra trên 6.000ha, đàn trâu bò gần 130.000 con, diện tích nuôi thủy sản trên 2.600ha và gần 2.000 lồng cá, qua đó góp phần mở rộng sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo trong tỉnh.
Với việc thực hiện hiệu quả lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm, tỉnh Yên Bái đã có 94.500 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm. Tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là 125 tỷ đồng.
Từ sự quan tâm chỉ đạo và nguồn lực đầu tư lớn, công tác giảm nghèo đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 32,21% cuối năm 2015 giảm còn 7,04% cuối năm 2020 (giảm 25,17%), bình quân mỗi năm giảm 5,03%, (đạt 125% so với mục tiêu đề ra đầu nhiệm kỳ).
Đối với 2 huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm bình quân  8,32%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm. Qua đó, đã góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng nghèo giữa các khu vực, các dân tộc trong toàn tỉnh.
Những điển hình giảm nghèo của Yên Bái
Trạm Tấu là một huyện vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cánh rừng tự nhiên có mức độ đa dạng sinh học cao, là điều kiện thuận lợi để các loại cây dược liệu sinh trưởng và phát triển. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với những điều kiện thuận lợi được thiên nhiên ưu đãi, trong những năm qua, huyện Trạm Tấu đã duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu trên địa bàn, trong đó trọng tâm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển cây Sơn tra.
Giai đoạn 2016 - 2020, đã trồng được trên 2.000 ha; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo sát diện tích đất trồng thử nghiệm một số loại dược liệu như cây Gừng, cây Tam thất, Sâm Ngọc Linh, Lan Kim Tuyến…
Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi được địa phương áp dụng
Đến nay trên địa bàn huyện dần hình thành các vùng sản xuất cây dược liệu như vùng cây Sơn tra với trên 4.000ha tập trung các xã Bản Công, Xà Hồ, Bản Mù, Làng Nhì; vùng cây Thảo quả trên 1.40 ha tập trung các xã Xà Hồ, Túc Đán, Bản Công; vùng cây Sả Java trên 50ha tập trung xã Bản Mù, Hát Lừu... đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất, giải quyết, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân các xã vùng cao.
Thu nhập bình quân 1ha cây Sơn tra đạt trên 30 triệu đồng. Đã có những hộ gia đình trồng Sơn tra, Thảo quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, với nguồn dược liệu tự nhiên cũng là một trong những nguồn thu nhập đối với một số người dân, góp phần nâng cao ý thức trong bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý; phòng chống cháy rừng và giúp người dân yên tâm, gắn bó với sản xuất nông, lâm nghiệp, từng bước tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Đại Đồng là xã vùng thấp của huyện Yên Bình, có 5 thôn với 7 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85% dân số. Trong những năm qua, xã Đại Đồng đã vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt 36,8%/người. Tỷ lệ hộ nghèo của xã là 0,65%.
Toàn xã có 1.635 lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 92,37%. Trên địa bàn xã có một HTX Du lịch hồ Thác Bà và 18 tổ hợp tác hiện đang hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó là mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Xã Đại Đồng bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới từ năm 2011. Đến nay, tổng các nguồn lực đầu tư đạt trên 79 tỷ 253 triệu đồng. Trong đó, vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế đạt 7,9 tỷ đồng; đóng góp của cộng đồng dân cư đạt trên 11,4 tỷ đồng. Các tuyến đường xã và đường trung tâm đến đường huyện, tỉnh đã được nhựa hóa 100%. Tuyến đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi ngay cả trong mùa mưa.
Cùng với đó, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã được tưới và tiêu nước chủ động. Xã có 5/5 thôn với toàn bộ 927 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn. Toàn xã có 916 hộ dân có nhà đạt chuẩn, trong đó có trên 70,4% hộ có nhà xây đạt chuẩn.  Các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tiêu chí về thông tin và truyền thông; giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường… đều đạt các tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới. Với những nỗ lực cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, bộ mặt vùng nông thôn Đại Đồng đã có bước chuyển mình tích cực, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Quang Minh là xã vùng II của huyện Văn Yên. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Quang Minh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Qua hơn 9 năm thực hiện, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 190 tỷ đồng; xã đã lồng ghép các nguồn vốn tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, bộ mặt nông thôn đã được đổi mới, văn minh.
Đến nay, 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện và các tuyến đường trục thôn, xóm, liên thông đã được cứng hóa; hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; tỉ lệ trường học các cấp từ bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt 36,15 triệu đồng/năm; tỷ lệ  hộ nghèo giảm còn 4,63%... Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Quang Minh đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa: