Kontum: Một số giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030
(LĐXH) - Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, do phong tục tập quán, tín ngưỡng và văn hóa, mặt bằng trình độ dân trí thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bình đẳng giới trên địa bàn, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS.
Trong những năm qua, Kon Tum đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình liên quan đến Luật Bình đẳng giới, điển hình là tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới; tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Sơ kết 03 năm (2016-2018) thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược giai đoạn 2016-2020 và công tác vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBCPN); Sơ kết 03 năm (2017-2019) việc triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”...
Tỉnh còn phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ đã tổ chức 13 lớp tập huấn về tuyên truyền BĐG cho 710 cán bộ, hội viên, hướng dẫn Ban VSTBCPN; tổ chức 30 hội thảo, hội nghị tập huấn với gần 2.576 lượt đại biểu tham dự. Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện/thành phố tuyên truyền Luật BĐG và các văn bản hướng dẫn thi hành cho 64.755 lượt hội viên; tổ chức 41 hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm trong công tác BĐG&VSTBCPN với 3.726 lượt đại biểu tham dự. Triển khai công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia học tập các chính sách, pháp luật về BĐG; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ luôn khắc phục khó khăn, tham gia tích cực hưởng ứng và đăng ký thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 với chủ đề “Phụ nữ Kon Tum và tương lai của nền kinh tế xanh” có gần 400 đại biểu tham gia; Hội thi truyền thông sân khấu hóa với chủ đề “Phụ nữ Kon Tum với cải cách hành chính” và thực hiện năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” thu hút sự tham gia của hơn 200 phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức 04 lớp phổ biến tuyên truyền pháp luật về BĐG&VSTBCPN tại các huyện: Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum với 181 đại biểu tham dự; 04 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý cho 758 nữ đại biểu dân cử là đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 05/10 huyện, thành phố đã xây dựng mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình với 35 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, 26 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; 648 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, 117 cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình thực hiện các dịch vụ y tế, áp dụng biện pháp cách ly, bảo vệ nạn nhân, 876 tổ tư vấn - hòa giải tương đối đáp ứng được yêu cầu về phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Đã có nhiều mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới được triển khai và nhân rộng, điển hình như mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Hà Mòn; Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về BĐG tại xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng đồng bào DTTS; Mô hình hỗ trợ làng xã xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc BĐG; Mô hình Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng... Đặc biệt, Kon Tum đã thành lập mới và duy trì có hiệu quả 184 "Địa chỉ tin cậy" phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; thành lập 04 mô hình: "Nói không với tảo hôn ở trẻ em gái vị thành niên"; mô hình "Phụ nữ DTTS với pháp luật" do các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ quản lý.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trên địa bản tỉnh Kontum còn thiếu đồng bộ. Một số sở, ngành và địa phương chưa bố trí kinh phí cho công tác BĐG&VSTBCPN; công tác tuyên truyền chưa thật sự phong phú và đi vào chiều sâu, chủ yếu lồng ghép vào các hoạt động kỉ niệm nhân ngày 8/3, 20/10 hằng năm; chưa thật sự quan tâm đến việc lồng ghép giới, phân tích giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động thuộc ngành, địa phương quản lý.
Các mô hình có liên quan đến BĐG, VSTBCPN và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới triển khai thực hiện tại tỉnh với quy mô còn nhỏ, lẻ; chưa đáp ứng được so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thiếu tài liệu chuyên môn và hướng dẫn thực hiện các mô hình trong công tác BĐG như Mô hình trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực; Mô hình thành phố an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái; Mô hình phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực tại cơ sở y tế… Chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác BĐG, các cấp bố trí cán bộ làm kiêm nhiệm. Do làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ nên thời gian, tâm huyết dành cho công tác BĐG chưa đúng mức. Mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên về giới và BĐG còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu.
Giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Kontum tiếp tục duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về công tác cán bộ nữ, có cơ chế hỗ trợ cán bộ nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ. Chú trọng tạo việc làm cho lao động nữ, lao động sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em gái, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu BĐG và tình hình thực tế của từng địa phương
Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triền kinh tế - xã hội. Tổ chức các đợt tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới cho thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; tập huấn kỹ năng, kiến thức để phân tích đánh giá các sản phẩm thông tin mang định kiến giới cho cán bộ làm công tác quản lý thông tin.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về BĐG; khơi gợi, động viên, khích lệ phụ nữ thay đổi tư duy nhận thức bước ra khỏi định kiến giới tồn tại dai dẳng trong tư tưởng, xóa bỏ tâm lý e ngại, tự ti, an phận, tự phấn đấu vươn lên, tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, đất nước để khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Bên cạnh các kênh truyền thông chính thống (tivi, báo, đài, trang thông tin điện tử các ngành…); đưa ứng dụng công nghệ thông tin và tận dụng các kênh truyền thông mạng xã hội đang phát triển để thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận được nguồn thông tin về triển khai các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ.
Chú trọng triển khai công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu công tác BĐG, tham gia hoạch định chính sách, xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các Sở, ngành, địa phương. Tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động của công tác BĐG ở các cấp, các ngành; Bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên cho những ngành, vùng, khu vực có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao về bất bình đẳng giới, vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nam Khánh
Từ khóa:
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55