Xã hội
Quảng Ninh: Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật
03:23 PM 23/06/2021
(LĐXH) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm và triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trong đó có các hoạt động chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, giúp người khuyết tật trên địa bàn vượt qua khó khăn, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 20.900 người khuyết tật, trong đó có 4.000 người khuyết tật đặc biệt nặng và 11.633 người khuyết tật nặng. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của trung ương và ban hành, triển khai các chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật. Nhờ đó, công tác chăm lo người khuyết tật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với người khuyết tật được nâng cao hơn.

Người khuyết tật đến khám, chữa bệnh miễn phí tại Trạm Y tế xã Quảng La (TP Hạ Long).

Cùng với các chính sách của Trung ương, Quảng Ninh đã ban hành các cơ chế chính sách riêng về chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, vui chơi giải trí, giải quyết chế độ chính sách nhằm trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật dần đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Đời sống vật chất, tinh thần của đối tượng từng bước được cải thiện. Các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện để người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, không phân biệt đối xử, tạo mọi điều kiện để người khuyết tật hòa nhập với đời sống xã hội. Đặc biệt, không chỉ thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ theo quy định của Trung ương, Quảng Ninh còn tăng mức chuẩn trợ cấp cho các đối tượng người khuyết tật. Từ năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ mức 300.000 đồng lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội (trong đó có người khuyết tật) sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định); và nâng từ mức 400.000 đồng lên mức 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng người khuyết tật được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh (tăng 1,85 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định).
Song song với đó, công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và giáo dục cho người khuyết tật cũng được Quảng Ninh quan tâm. 100% người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời; việc cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân nói chung, người khuyết tật nói riêng tại các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục được cải thiện (cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng cho người khuyết tật, bố trí riêng bàn khám bệnh, ưu tiên dành cho người khuyết tật được nằm giường riêng tại các khoa điều trị nội trú trong những thời điểm đông bệnh nhân...). Hằng năm, các Trạm y tế trong tỉnh đều tiến hành thống kê, lập danh sách người khuyết tật nặng trên địa bàn xã, phường, thị trấn để lập hồ sơ theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là cơ sở để phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh.

Các bác sỹ khám sàng lọc cho người khuyết tật tại Trạm y tế thị trấn Tiên Yên

Công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật được quan tâm, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật hệ vận động trên địa bàn tỉnh. Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật hệ vận động, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/ngày (không quá 15 ngày), hỗ trợ tiền đi lại cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng từ nơi ở của đối tượng đến cơ sở phẫu thuật theo quãng đường thực tế, hỗ trợ chi phí thù lao cho 01 người nhà hướng dẫn đối tượng tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật với mức 50.000 đồng/ngày (không quá 15 ngày). Kết quả từ năm 2013-2020, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện khám sàng lọc cho hơn 1.924 đối tượng là người khuyết tật hệ vận động. Trong đó: thực hiện phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 238 đối tượng và trang cấp 321 dụng cụ chỉnh hình (bao gồm tay giả, chân giả, độn gót…) với tổng kinh phí là 3,24 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật còn được thực hiện từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Từ nguồn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ đã có 261 người khuyết tật được làm chân giả, 22 người được làm tay giả, 52 người khuyết tật được cung cấp nạng; trang cấp 734 xe lăn với kinh phí 952,6 triệu đồng. Tổ chức POF đã phẫu thuật chỉnh hình cho 21 bệnh nhân khuyết tật, dị dạng, di tật; thực hiện rà soát và cấp 100 máy khiếm thính, khiếm thị, khiếm thanh cho người khuyết tật thuộc hộ nghèo.
Có thể nói, sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội đã giúp cho người khuyết tật có thêm nghị lực, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người đã phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.
Nguyễn Thị Hiền
 
Từ khóa: