Lao động
Đắk Lắk: Nhìn lại kết quả tổ chức Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2024
10:17 PM 16/08/2024
(LĐXH) - Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh Đắk Lắk năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, diễn ra từ ngày 01/05/2024 và kết thúc từ 31/5/2024. Theo đó, tỉnh Đắk lắk đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương và các cấp Công đoàn tỉnh tập trung tổ chức các hoạt động như: đối thoại giữa cấp ủy chính quyền, doanh nghiệp với cán bộ công đoàn, công nhân lao động; tổ chức tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động cho người lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên... nhằm làm giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ; tăng cường các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc của người lao động.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Kết quả sau 1 Tháng diễn ra các hoạt động về Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 trên địa bàn tỉnh, các sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 12/KH –UBND, ngày 16/01/2024 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tổ chức hưởng hứng Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 12/KH – UBND, ngày 16/01/2024 về tổ chức Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 và tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024 với hơn 300 người tham dự.

Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với các cơ quan báo, đài tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời tổ chức treo 08 băng rôn và 100 phướn trên các trục đường chính tại Thành phố Buôn Ma Thuột; phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức 02 lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 03 doanh nghiệp; 01 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động (ở huyện Cư Kuin) cho đối tượng không có quan hệ lao động và 01 lớp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho 60 doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các đơn vị tổ chức mở 01 lớp nâng cao năng lực công tác ATVSLĐ cho cán bộ cấp xã, cấp huyện, với 143 người tham gia.

Các đại biểu tham dự lễ Phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 

Sở Y tế đã tập trung chỉ đạo 24/38 cơ sở y tế trên địa bàn xây dựng Kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động với nhiều nội dung thiết thực như: treo băng rôn, khám sức khỏe cho người lao động, tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ; thanh tra kiểm tra liên ngành tại 123 đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn. Sở Xây dựng đã chị đạo, đôn đốc và kiểm tra chất lượng 27 công trình đang thi về công tác đảm bảo ATVSLĐ đối với các công trình đang triển khai thi công xây dựng trên địa bàn. Các Sở: Công thương, Nội vụ, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức chỉ đạo 100% Liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn ngành và công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động như: treo bang rôn, khẩu hiệu tại trụ sở làm việc, phát động phòng trào thi đua cam kết đảm bảo ATVSLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức kiểm tra các thiết bị, máy móc, nhà xưởng, các công trình vệ sinh, phương tiện phòng cháy, chữa cháy ở đơn vị. Đồng thời tổ chức thăm tặng quà cho 05 đoàn viên công đoàn bị tai nạn lao động. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.

Quang cảnh tại lễ Phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Qua thống kế cho thấy, toàn tỉnh đã có trên 1.219 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức treo bang rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động tại trụ sở làm việc, xưởng sản xuất, sơn, vẽ mới hoặc làm lại biển báo, rào chắn, khẩu hiệu ở khu vực sản xuất bị mờ, hư hỏng; có 169 đơn vị tổ chức tự kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, diễn tập phòng cháy chữa cháy, trồng cây xanh, dọn vệ sinh nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công trình vệ sinh; 79 đơn vị tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 1.780 người lao động; tổ chức 138 lượt thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí cho gia đình và công nhân bị tai nạn lao động.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các nội dung tổ chức trong Tháng hành động ATVSLĐ đã tác động mạnh mẽ và làm chuyển biến rõ rệt về nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và toàn thể xã hội đối với công tác ATVSLĐ. Đồng thời rút ra được những tồn tại trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ tại một số ngành và cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông đã tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần thực hiện tốt chủ đề “ Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.

Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn có nguy cơ cao về tai nạn lao động, cháy nổ do thường xuyên nhắc nhở người lao động tuân thủ các quy định về ATVSLĐ đã không để xây ra sự cố nghiệm trọng nào trong suốt thời gian tổ chức Tháng hành động, đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh thường xuyên, liên tục đạt hiệu quả. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đã có ý thức hơn trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Mặt khác, thông qua việc tổ chức Tháng hành động ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ được nâng lên.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác An toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động đã chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy, nhân sự làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp như thành lập hội đồng bảo hộ lao động, các phòng, ban, cử cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm, tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cái thiện điều kiện lao động. Các phong trào, sáng kiến, cải thiện điều kiện lao động đã được các doanh nghiệp phát động và nhân rộng thực hiện trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong dịp tổ chức Tháng hành động như phong trào “Xanh, sạch, đẹp”, “Tháng An toàn lao động”, các cuộc thi, toà đàm về ATVSLĐ… Chính từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến hành động cụ thể, thiết thực nêu trên, việc tổ chức Tháng hành động đã góp phần làm giảm tần suất TNLĐ, BNN, đặc biệt là trong số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ rũi ro cao. Đồng thời, các cấp, các ngành đã tổ chức, thăm hỏi, động viện cá nhân và gia đình người bị tai nạn lao động trong lao động sản xuất qua đó thấy được sự sự quan tâm của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại một số doanh nghiệp còn sơ sài, mang tính hình thức, chưa xác định được mục tiêu cụ thể của các hoạt động do đó chưa tạo được sự nhận thức chính người sử dụng lao động và bản thân người lao động trong việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật ATVSLĐ. Hoạt động huấn luyện ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ chưa được quan tâm. Hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, làng nghề, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ còn mỏng nên công tác quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Vương Linh