Thời sự
Sắc son nghĩa thầy trò và những dự định còn dang dở
11:19 AM 18/09/2023
(LĐXH) - Tôi nhận tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần sau một ngày gặp người 2 người em của cha nuôi Trung tướng Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Thệ…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu chúc mừng Bệnh viện dã chiến 2.1 hoàn thành nhiệm vụ trở về nước

Biết sự khao khát của tôi với cuốn truyện “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ngay sau 1 ngày Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về với Bác Hồ, Bác Giáp, tôi đã nhận được cuốn sách vô cùng quý giá. Dù rất bận nhưng tôi đã cố gắng để đọc chi tiết phần giới thiệu, một số chương quan trọng và nhiều ý tứ hay trong cuốn sách...

Người học trò sắc son       

Tác phẩm “Người thầy” là một cuốn truyện không chỉ nói về công lao của Thiếu tướng tình báo Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Trần Đức (Ba Quốc)- Nhân vật chính trong chuyện, mà còn nói về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò…Những bài học về nghề, về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành Tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- ngoài cùng bìa phải trong lễ đón Bệnh viện dã chiến 2.1 hoàn thành nhiệm vụ trở về nước

Cuốn sách được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết và Nhà xuất bản QĐND xuất bản đúng dịp kỷ niệm tròn 100 năm Ngày sinh của Thiếu tướng Tình báo Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Trần Đức (1922-2022). Một cuốn sách hay, hấp dẫn và hiếm gặp khi có phong cách kể chuyện thú vị đến thế! Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chọn ông Ba Quốc làm nhân vật trung tâm. Chọn chuyện dạy người, dạy nghề, học làm người và học làm nghề là chuyện chính. Tác giả không chủ định kể chuyện làm tình báo nhưng vì thầy ấy, dạy nghề ấy, trò ấy học nghề ấy, nên cuối cùng những câu chuyện tình báo, những chiến công lẫy lừng nhưng vô cùng thầm lặng của ngành tình báo quân sự vẫn hiển hiện một cách rất tự nhiên…

Từ thực tiễn của nhiệm vụ, lại được người thầy rất mực yêu thương truyền dạy từ khi mới tập bước vào nghề cho đến khi một mình “tự bay đơn” trong nghề, tự quyết định vào những thời điểm khó khăn, khốc liệt…tất cả đã được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm tư liệu để viết trong cuốn sách. Cuối cùng bao trùm lên tất cả là những bài học về một cuộc chuyển giao thế hệ không hề dễ dàng, không chỉ của riêng ngành tình báo trong giai đoạn vừa qua trong cả nước…

Đọc sách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giúp người đọc phát hiện một cách tự nhiên chân dung một người thầy và những học trò vừa theo những chuẩn mực truyền thống “tôn sư trọng đạo” vừa hài hòa với những điều mới mẻ của người thầy và những học trò thời đại mới, trong những môi trường đặc biệt…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khen thưởng Cục Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong lễ đón Bệnh viện dã chiến 2.1 hoàn thành nhiệm vụ trở về nước

Nhân vật chính của cuốn sách đại diện cho những người thầy là nhà tình báo chiến lược, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (ông Ba Quốc). Những lần gặp mặt đầu tiên của tôi và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông đã giữ trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục 2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng khi nhắc về ông Ba Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn dùng từ “Thầy tôi” với giọng trìu mến, kính trọng, rất đỗi tự hào.

Khi thầy qua đời, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ứng xử đúng đạo hiếu thầy trò sắc son truyền thống. Thượng tướng coi gia đình thầy như gia đình mình, anh chị em trong nhà thầy như anh chị em ruột. Sau khi thầy qua đời nhiều năm, người học trò “Yêu quý” nhất của thầy hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước, Quân đội nhưng tình cảm thầy trò vẫn sâu đậm, hiếm hoi…viết lên những dòng này như một nén tâm nhang gửi về thượng tướng khi ông từ giã cõi đời về với người thầy yêu quý của mình.

Dự định còn dang dở

Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, người bạn thân thiết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có mặt những giây phút cuối cùng bên ông vào rạng sáng 14-9 kể lại, bệnh hiểm nghèo nên Tướng Tuấn không bất ngờ trước sự ra đi của Tướng Vịnh. “Dù biết việc xấu nhất có thể xảy ra những khi ông Vịnh trút hơi thở cuối cùng, tôi rất xúc động. Là người kìm chế cảm xúc tốt nhưng đây là lần hiếm hoi, khi đứng trước những giây phút cuối đời của ông ấy, tôi đã rơi nước mắt”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn xúc động bộc bạch.

Không chỉ là người bạn, đồng đội mà cả hai cùng đồng hương Thừa Thiên Huế. Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho hay, khi đang công tác tại Quân chủng Phòng không không quân, ông đã quen biết Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Thời điểm đó Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hoạt động tại Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng. Đồng hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhưng để nhắc về kỷ niệm sâu sắc nhất với người đồng đội, theo Thượng tướng Võ Văn Tuấn đó là thời điểm hai ông “Xây những viên gạch đầu tiên” cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam cách đây gần 10 năm.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khen thưởng Bệnh viện dã chiến 2.1 hoàn thành nhiệm vụ trở về nước

Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ: “Ban đầu rất khó khăn, bên cạnh vấn đề pháp lý còn là công tác huấn luyện, đào tạo cho quân nhân, mọi đề mục công việc cho những tiêu chí. Thời điểm đó chúng tôi lang thang từ Châu Âu sang Châu Mỹ, đến Châu Phi và đi nhiều nước, nhiều đơn vị của Liên hợp quốc để tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, đánh giá, phân tích lập kế hoạch cho lực lượng của Việt Nam. Nhờ những ngày tháng gian khổ đó mà chúng tôi hiểu nhau, gần nhau hơn”…

Chính những gian khó ban đầu, đến nay lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Liên hợp quốc càng có vị thế và uy tín, được thế giới công nhận, đánh giá cao. Bên cạnh việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, sĩ quan, cán bộ QĐND Việt Nam tại các phái bộ đã thể hiện bằng hành động cụ thể, là một quân đội của nhân dân, vì nhân dân.

Việt Nam đã mang đến một cách tiếp cận rất mới, đó là lực lượng gìn giữ hòa bình không chỉ đơn thuần hoàn thành những nhiệm vụ được thỏa thuận, cam kết với Liên hợp quốc và với nước sở tại, mà gần gũi, gắn bó với người dân địa phương, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở địa bàn. Hình ảnh những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam- Người lính Cụ Hồ tận tụy, hết lòng chăm sóc người bệnh, trồng rau xanh, may và phát khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19; dạy học cho những em nhỏ…tiếp tục tô đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” - những người lính mũ nồi xanh- những sứ giả hòa bình tại Liên hợp quốc.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết thêm, khi nghỉ hưu hai ông còn đưa ra nhiều dự định đặc biệt tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, phát triển những đề tại khoa học về quân sự, đối ngoại để đóng góp cho quân đội, cho nhân dân. “Sự ra đi của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm những công trình còn dang dở. Tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục nhưng mất đi một vị tướng có tầm nhìn, có trình độ, năng lực, có phẩm chất như thế là một tổn thất vô cùng lớn”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Với cá nhân tôi, một nhà báo trong lĩnh vực quân sự quốc phòng có hẹn và mãi mãi nợ với thượng tướng một bài phỏng vấn để nói rõ hơn về lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Hai thầy trò Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- ảnh chụp lại từ cuốn sách Người thầy

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15-5-1957, mất ngày 14-9-2023. Lễ tang Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao. Lễ viếng được tổ chức từ 7 giờ ngày 18-9 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu hồi 12 giờ 30 phút; an táng hồi 17 giờ 15 phút cùng ngày tại Công viên Thiên Đức, xã Bảo Thanh, H.Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ…

Nguyệt Hà