Lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Việt Nam cam kết quản lý hiệu quả lao động di cư qua biên giới
04:44 PM 23/05/2024
(LĐXH)- “Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước trong việc quản lý lao động di cư qua biên giới một cách hiệu quả cũng như thúc đẩy khả năng trao đổi tiến tới có thể liên thông bảo hiểm xã hội trong tương lai” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định.
Ngày 23/5, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội, nước Cộng hòa DCND Lào chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 về Hợp tác lao động giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị có chủ đề “Liên thông chế độ bảo biểm cho người lao động di cư trong 5 nước CLMTV” với sự tham dự của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn phụ trách về lao động của các nước CLMTV nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến lao động trong khu vực.
Thừa ủy quyền của đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham dự tại điểm cầu Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Baykham Khattiya, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào cho biết: Phiên họp đầu tiên, các nước CLMTV đã trao đổi tình hình và thống kê di cư bằng cách tham khảo Tuyên bố chung của CLMTV về di cư lao động an toàn, Tuyên bố Asean về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế…
“Hội nghị là dịp để các nước CLMTV chia sẻ, thảo luận nhiều hơn các vấn đề khác nhau về sự đổi mới của pháp luật trong nước nhằm ứng phó với tình trạng lao động di cư. Đây cũng là dịp để các nước CLMTV xây dựng và sửa đổi các chính sách, luật pháp và quy định liên quan, phù hợp với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư…” - Bộ trưởng Baykham Khattiya trao đổi.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: Với đặc điểm địa lý chung đường biên giới, di cư lao động qua biên giới là một trong những ưu tiên lớn trong hợp tác CLMTV, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước, nhu cầu lao động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy người dân tại các tỉnh dọc biên giới không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm.
“Việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có tham gia bảo hiểm xã hội thông qua chính sách, liên thông bảo hiểm xã hội giữa các quốc gia cho những người lao động di cư này là mục tiêu cần được chú trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết: Việt Nam đánh giá cao việc thảo luận và thông qua Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động CLMTV về liên thông bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư. Bởi lẽ, giữa các nước CLMTV chưa có liên thông bảo hiểm xã hội nên nhiều lao động di cư trong khu vực không có bảo hiểm xã hội, không được đảm bảo quyền an sinh xã hội cơ bản và phải đối mặt với nhiều khó khăn, không đảm bảo công bằng khi gặp các rủi ro trong cuộc sống ở nước ngoài.
Bộ trưởng Baykham Khattiya phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh chụp màn hình) 
“Việc thực hiện các Hiệp định an sinh xã hội song phương hoặc đa phương, đặc biệt là liên thông bảo hiểm xã hội sẽ giúp lao động di cư có thể duy trì những quyền của họ đối với lương hưu và đảm bảo các quyền này có thể được chuyển giao qua biên giới” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua hoàn thiện luật pháp và chính sách có liên quan.
Cụ thể như Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ năm 2021, đã sửa đổi và bổ sung nhiều quy định để quản lý có hiệu quả người lao động ra nước ngoài làm việc.
Luật Bảo hiểm xã hội ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2014 và hiện tiếp tục được sửa đổi và trình Quốc hội thông qua trong năm 2024. Luật hướng tới việc xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng: mở rộng đối tượng tham gia cũng như các chế độ thụ hưởng và đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả...
“Những sáng kiến, kinh nghiệm về chính sách và thực tiễn giữa 5 nước mà các quan chức đã chia sẻ về liên thông bảo hiểm xã hội và cam kết của các Bộ trưởng tại Hội nghị ngày hôm nay sẽ góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, sớm thúc đẩy tiến trình liên thông bảo hiểm xã hội giữa các nước CLMTV cũng như đề xuất nội dung hợp tác mới trong thời gian tới” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tin tưởng.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng cơ chế hợp tác này sẽ tăng cường và củng cố mối quan hệ láng giềng khăng khít và bền chặt
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định: Việt Nam cam kết sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước trong việc quản lý lao động di cư qua biên giới một cách hiệu quả cũng như thúc đẩy khả năng trao đổi tiến tới có thể liên thông bảo hiểm xã hội trong tương lai.
“Tin tưởng rằng, cơ chế hợp tác lao động cấp Bộ trưởng của các nước CLMTV sẽ góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ láng giềng khăng khít và bền chặt; thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội trong môi trường hoà bình vì sự thịnh vượng chung của khu vực” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu.
Tại Hội nghị, quan chức lao động cấp cao, đại biểu từ các nước CLMTV đã xem xét và cơ bản thông qua Tuyên bố CLMTV về khả năng chuyển đổi phúc lợi an sinh xã hội cho người lao động di cư. Tuyên bố CLMTV dự kiến sẽ được Bộ trưởng các nước CLMTV ký trong vòng 1 tháng 10 ngày.
Cuối Hội nghị, Bộ trưởng Lao động Thái Lan thông báo sẵn sàng chủ trì Hội nghị lần thứ 5 vào năm 2026.

Chí Tâm