Xã hội
12 năm dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn người
06:22 PM 16/08/2024
(LĐXH) - Từ những trải nghiệm hai lần chết hụt của bản thân, trong suốt 12 năm qua, anh Nguyễn Văn Thủy, nhân viên Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho hơn 3000 nghìn người với phương châm cho đi là còn mãi.
Ký ức về hai lần suýt chết hụt vì đuối nước
PV: Được biết, anh đã hai lần suýt chết hụt do đuối nước, phải chăng đây cũng là cơ duyên để anh thành lập CLB Bơi Đội Mũ Đỏ dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn người trong suốt những năm qua?
Anh Nguyễn Văn Thủy: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hải Dương. Năm lớp 7, vì chưa biết bơi, tôi mang chiếc thau nhôm sang ao nhà hàng xóm tập luyện. Đến buổi thứ ba, chiếc thau bị lật khiến tôi chìm nghỉm. May mắn bố tôi kịp thời phát hiện kéo tôi lên bờ. Sau lần chết hụt này, tôi rất sợ nước và không dám bén mảng tới bất kỳ ao hồ hay khu vực có nước nào nữa.
Anh Nguyễn Văn Thủy bơi 100 km để giúp Kim Diệu, cô bé sơ sinh bị bỏ rơi (ngày 20-22/4/2024).
Năm 2005, khi đã là nhân viên Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, tôi mắc chứng béo phì khi cân nặng lên gần 90 kg và đứng trước rất nhiều bệnh: Mỡ máu, gout, tiền tiểu đường, nguy cơ nhồi máu cơ tim. Được bác sĩ khuyến khích đi bơi để giảm cân và tăng cường sức khỏe, tôi đã quyết tâm thay đổi và vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Nhiều năm không dám xuống nước,  tôi chỉ chọn bể nông. May mắn là tôi đã được gặp một vận động viên bơi chuyên nghiệp dạy miễn phí. Sau ba tháng chăm chỉ rèn luyện, tôi đã giảm được hơn 10 kg, các chỉ số liên quan tới mỡ máu, huyết áp đều về mức trung bình.
Hơn 12 năm qua, anh Nguyễn Xuân Thủy đã dạy bơi miễn phí cho hơn 3000 người
Năm 2011, tôi dạy con gái lớn bơi để không rơi vào hoàn cảnh chết hụt như mình. Ban đầu cô bé rất hăng say nhưng rồi sớm chán nản vì không có người tập cùng. Để tạo động lực cho con, tôi nhận dạy miễn phí cho con cái bạn bè. Tháng 5/2012, “Đội bơi Bơi Đội Mũ Đỏ” chính thức được thành lập với tôn chỉ trao đi mà không cần nhận lại. Đều đặn mỗi ngày, tôi đến bể bơi vào hai khung giờ từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 45 và 18 - 20 giờ để bắt đầu công việc tay trái của mình. Lứa tuổi theo học lớp bơi cũng rất đa dạng. Bất cứ người lớn, trẻ nhỏ ai có nhu cầu tôi đều sẵn sàng chỉ bảo. Sau vài năm, câu lạc bộ (CLB) được biết tới rộng hơn khi nhiều học viên đạt thành tích cao tại các giải bơi từ cấp quận, thành phố cho đến hội khỏe Phù Đổng. Thế nhưng đó cũng là lúc tôi nhận ra việc chạy theo thành tích có thể mang lại tác dụng ngược, tạo nên áp lực không đáng có cho các con. Bơi phải mang đến niềm vui chứ không phải sự căng thẳng. Vậy nên tôi định hướng lại, chuyển sang huấn luyện kỹ năng bơi sinh tồn.
Điều này cũng xuất phát từ việc lần thứ hai tôi suýt chết hụt vì đuối nước khi cứu một phụ nữ bị sóng cuốn tại biển Nhật Lệ, Quảng Bình vào mùa hè năm 2014. Dù cứu được người nhưng tôi bất ngờ bị sóng lớn đẩy ngã, rơi vào dòng nước xoáy rồi bị cuốn sâu xuống đáy biển. Giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi chợt nhớ tới lời khuyên của một người bạn, nếu gặp dòng xoáy nên thả lỏng người thẳng như cây chuối, tự khắc cơ thể sẽ nổi lên mặt nước. Trong tích tắc, tôi thả người nổi tự do, sau đó cố gắng bơi ngang vào bờ.
Sau lần “chết hụt” này, tôi tìm hiểu kỹ kiến thức khi bơi ở môi trường mở như sông, hồ và nhận thấy, khi gặp dòng xoáy, những người bơi giỏi cũng dễ hoảng sợ. Nếu tinh thần không tốt, nhịp tim bị đẩy lên cao, hơi thở gấp, không lấy đủ oxy rất dễ dẫn tới bị chuột rút, thậm chí có thể bị nhồi máu cơ tim. Còn ở sông, nguy cơ đuối nước hiện hữu khi bơi sát những nhà bè nổi, xà lan, tàu thuyền cỡ lớn, nơi thường xuyên xuất hiện dòng nước xoáy, nhất là vào mùa lũ. Đó là lý do từ năm 2017, thay vì dạy bơi để thi giải như trước, CLB Bơi Đội Mũ Đỏ chuyển sang bơi sinh tồn dù ở bất kỳ môi trường nước nào, đặc biệt kỹ năng xử lý đi tàu thuyền mà rơi xuống nước, nhận biết và tự cứu mình khi gặp dòng nước xoáy hay nguyên tắc vàng 5 giây đầu tiên nín thở thả lỏng.
Hướng dẫn bài tập 5s vàng vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người khi bị ngã xuống nước.
Mong muốn dạy bơi sinh tồn cho trẻ em vùng sâu, vùng xa
PV: Bí quyết nào để CLB của anh có thể duy trì dạy bơi miễn phí cho hơn 3000 người trong suốt 12 năm, đặc biệt là kỹ năng bơi sinh tồn?
Anh Nguyễn Văn Thủy: Lớp học đông đồng nghĩa phụ huynh đưa con đến bể bơi cũng tăng dần. Nhận thấy khoảng thời gian chờ đợi của bố mẹ rất phung phí nên tôi quyết định mở thêm lớp dành cho phụ huynh, gọi vui là “các lớp bơi lùa gà”. Theo đó, tôi đặt ra quy định trong 45 ngày, các bố phải xuống bơi tối thiểu 30 buổi, các mẹ là 26 buổi và phải đóng tiền trách nhiệm tương ứng (các bố đóng 30 con gà tương đương 3 triệu đồng, các mẹ đóng 26 con gà tương đương 2,6 triệu). Cứ mỗi buổi đi bơi, có ảnh check-in, buổi tối hoặc sáng hôm sau có một “con gà” tương ứng 100.000 đồng, nhảy vào tài khoản của phụ huynh. Ai đi học đủ thì sẽ nhận lại số tiền đã đóng. Do lớp học rất đông, để đảm bảo chất lượng, những học viên cũ sẽ hướng dẫn học viên mới, người giỏi dạy người chưa giỏi, tôi có trách nhiệm đào tạo các kỹ năng và quản lý chung.
Một lớp tập huấn bơi biển Vũng Chùa - Đảo Yến do CLB Bơi Đội Mũ đỏ tổ chức
Bằng cách này, từ năm 2017 đến nay, CLB đã dạy cho khoảng 3.000 học viên từ trẻ nhỏ tới phụ huynh với khả năng bơi 30 phút liên tục. Đặc biệt, có hơn 800 thành viên đã được nhận chiếc Mũ Đỏ Finish khi bơi 10 km liên tục. Nhiều lứa tốt nghiệp khóa bơi thành công và một số em nay về phụ thầy dạy bơi, duy trì hoạt động của đội.
PV: 12 năm dạy bơi miễn phí, cả bơi tranh giải lẫn bơi sinh tồn, anh có thống kê được bao nhiêu trường hợp được anh dạy bơi từ CLB của mình đã may mắn thoát chết nhờ được trang bị kỹ năng bơi không?
Anh Nguyễn Văn Thủy: Tôi không thống kê, nhưng trong 12 năm qua năm nào cũng có 1-2 trường hợp (trong đó có cả 3 đứa con nhà mình) thoát khỏi đuối nước vì kịp thời ứng dụng những kỹ năng bơi sinh tồn đã được học. Vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ba đứa con của tôi đã may mắn thoát đuối nước vì biết cách tự cứu nhau. Cậu con út khi đó mới 3 tuổi tưởng mặt ao bèo tấm là thảm cỏ nên đã nhảy xuống. Vì được học các kỹ năng bơi sinh tồn từ bố trước đó, hai chị gái đã đưa được em lên bờ.
PV: Việc làm của anh rất cần thiết trong bối cảnh tỉ lệ trẻ em ở các vùng nông thôn bị đuối nước gia tăng. Anh có ý nghĩ, mỗi năm tận dụng 12 ngày nghỉ phép hoặc vào các dịp cuối tuần, anh sẽ trực tiếp đi đến vùng sâu vùng xa hoặc các xã khó khăn để dạy bơi sinh tồn nhằm cứu giúp cuộc đời của các em không?
Anh Nguyễn Văn Thủy: Tôi đã từng sử dụng thời gian nghỉ phép để tham gia dự án “Chống đuối nước” mang tên “Giọt yêu thương” ở Hải Phòng vào năm 2023. Trải nghiệm đó càng củng cố niềm tin của anh rằng việc dạy bơi sinh tồn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là vô cùng cần thiết.
Tôi luôn mong muốn tận dụng những ngày nghỉ phép hoặc các dịp cuối tuần để thực hiện những chuyến đi đến các vùng khó khăn, nhằm dạy các em nhỏ kỹ năng bơi sinh tồn. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là tấm lòng cá nhân dành cho những mầm non tương lai.
Bằng cách này, từ sâu thẳm trong tâm hồn, tôi luôn hy vọng có thể góp phần nhỏ bé vào việc cứu giúp các em, giúp các em tự tin hơn khi ở dưới nước. Tôi cũng mong muốn phối hợp với chính quyền địa phương ở những vùng sâu vùng xa hoặc các xã khó khăn để dạy bơi sinh tồn, nhằm giúp các em nhỏ nơi đó tránh khỏi những ca đuối nước thương tâm vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, tôi sẵn sàng tận dụng 12 ngày nghỉ phép của mình để xách ba lô lên đường.
"Cho đi là còn mãi"
PV: Mặc dù đã hướng dẫn hàng ngàn người thuộc nhiều đối tượng khác nhau biết bơi nhưng anh luôn tâm niệm mình không phải là thầy giáo mà chỉ là người hướng dẫn bơi. Phương châm dạy bơi của anh là gì?
Anh Nguyễn Văn Thủy: Theo tôi, sự biết bơi thành công của các bé đa phần dựa vào sự nỗ lực tận tâm của chính các con và gia đình. Công sức của tôi và các thành viên CLB Bơi Bơi Đội Mũ Đỏ chỉ góp một phần trăm trong đó để khuyến khích các bé học nhanh hơn.
Niềm hạnh phúc giản đơn mỗi ngày của tôi là được trao đi, được thấy nụ cười, niềm tin yêu của các bé và phụ huynh. Đối với mình, dạy một người cũng thế mà dạy hơn trăm người cũng thế, làm sao luôn cố gắng tạo ra một giá trị để chia sẻ được cho ít nhất một người làm được một điều gì đó tốt hơn ngày hôm qua.
PV: Anh có đề xuất gì đối với chính quyền thành phố Hà Nội nói chung và các quận, huyện nói riêng trong việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện để anh tiếp tục phát huy và nhân rộng hơn nữa mô hình dạy bơi sinh tồn phổ cập đến được càng nhiều, kể cả người lớn lẫn trẻ em?
Anh Nguyễn Văn Thủy: Trên thực tế tại Hà Nội, mỗi dịp hè, các quận huyện vẫn thường tổ chức mở 1-2 lớp dạy bơi cho trẻ em. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, với thời lượng học ít ỏi, chất lượng của các khóa học bơi này vẫn còn nhiều hạn chế. Trẻ em tham gia các khóa bơi như vậy thường chỉ có thể bơi được một khoảng cách ngắn và chưa thực sự nắm vững kỹ năng bơi sinh tồn. Điều này dẫn đến một sự chủ quan đáng lo ngại từ phía các phụ huynh, khi họ nghĩ rằng con mình đã biết bơi nên ít chú ý hơn khi con cái ở gần ao hồ, sông suối hoặc biển.
Như chúng ta đều biết, đại đa số những vụ đuối nước thương tâm thường xảy ra với những người được coi là đã biết bơi. Điều này cho thấy rằng việc chỉ biết bơi thôi là chưa đủ; điều quan trọng hơn là cần phải có kỹ năng bơi sinh tồn để tự bảo vệ bản thân trong các tình huống nguy hiểm.
Một lớp tập huấn bơi ở Hồ Hàm Lợn
Tôi thực sự rất mong các cấp lãnh đạo hiểu được bản chất của những vụ tai nạn đuối nước và tập trung vào việc phòng tránh, thay vì chỉ dựa vào chứng chỉ chứng nhận biết bơi. Chính vì lý do đó, tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, chính quyền sẽ ủng hộ và hỗ trợ nhiều hơn cho những hoạt động dạy bơi miễn phí cho cộng đồng. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn giúp phát triển và nhân rộng những mô hình như của CLB Bơi Đội Mũ Đỏ, để kỹ năng bơi sinh tồn thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người.
Mười hai năm dạy bơi không nhận một đồng tiền công, với tâm niệm “cho đi là còn mãi”, anh Thủy vẫn hàng ngày ra bể bơi Thanh Xuân, hướng dẫn, khích lệ các bé và phụ huynh. Anh cũng đang có kế hoạch tổ chức các lớp dạy bơi (bao gồm cả trang bị trang phục bơi và mua vé vào cửa) cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Cá nhân anh chỉ mong muốn lan tỏa tinh thần cho đi của Đội Mũ Đỏ cho các thành viên để có thể hỗ trợ được nhiều hơn những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội để được học bơi sinh tồn, góp phần phòng, chống đuối nước và tạo dựng một thế hệ khỏe mạnh, có trách nhiệm và có kỹ năng sinh tồn trong mọi tình huống.

Đức Dương