Lao động
Thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa giáo, văn xã
09:17 PM 12/09/2023
Ngày 12/9/2023, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Văn Thanh.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an cùng các đơn vị có liên quan của Bộ LĐ-TB&XH.
Nhiều kết quả nổi bật về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, khoa giáo, văn hóa - xã hội
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 10 năm qua, Bộ  đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế về lao động và xã hội. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu và trình  cấp có thẩm quyền phê chuẩn 06 Công ước, gồm 05 công ước của ILO, và 01 công ước của Liên Hợp quốc; đồng thời đã và đang tích cực tham gia đàm phán các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do. Trong 10 năm qua, Bộ đã trình ban hành 06 Luật, Bộ luật và một hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và các công ước đã tham gia; thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào trong luật pháp chính sách.
Đông đảo đại diện các Bộ, ngành tham dự Hội nghị
Việc thực thi luật pháp, chính sách trong lĩnh vực lao động – xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác phát triển thị trường lao động có nhiều tiến bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng việc làm, năng suất lao động, thu nhập bình quân của người lao động, người lao động yếu thế tăng lên. Quan hệ lao động được phát triển hài hòa, ổn định và tiến bộ. Trình độ kỹ năng nghề và khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng cao. Phạm vi bao phủ của an sinh xã hội mở rộng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội, với tổng số người tham gia BHXH đạt gần 17,49 triệu người. Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân tại cộng đồng với 425 cơ sở trợ giúp xã hội phục vụ người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bước đầu hình thành, phát triển để mọi trẻ em được tiếp cận thuận lợi, công bằng. Chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng yếu thế liên tục được điều chỉnh tăng lên phù hợp với mức sống và trình độ phát triển của đất nước. Quyền của người khuyết tật được đảm bảo thực hiện tốt hơn. Giảm nghèo bền vững được thực hiện theo phương pháp tiếp cận đa chiều thay cho cách tiếp cận giảm nghèo theo thu nhập. Với tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm từ năm 2016 đến nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong công cuộc chống đói nghèo của Thế giới.
Các kết quả đạt được một phần là do hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh để tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực kỹ thuật, tài chính của quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, điển hình là Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm bền vững được thực hiện từ năm 2006 đã tích cực đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động. Các dự án sử dụng vốn ODA đã thúc đẩy phát triển các trường nghề chất lượng cao và hỗ trợ chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy. Các chương trình, dự án do Liên hợp quốc hỗ trợ cũng đóng vai trò rất lớn trong thúc đẩy bình đẳng giới, giảm nghèo, trợ giúp xã hội, thực hiện quyền trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh hợp tác song phương về lao động nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.  Đã có khoảng 10 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác lao động song phương đã được ký kết từ năm 2016. Viện trợ phi chính phủ mỗi năm từ 6 đến 10 triệu USD góp phần tích cực trong xây dựng và thực hiện chính sách cho các đối tượng dễ bị tổn thương.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã có các tham luận và phát biểu đánh giá các kết quả đạt được, đề ra định hướng công tác hội nhập quốc tế đến năm 2030 cũng như những yêu cầu về sự phối hợp liên ngành đặt ra đối với khối khoa giáo, văn xã trong thời gian tới.
Đại diện BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, trong 10 năm qua, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo đã được thực hiện bài bản, tích cực, đạt được nhiều kết quả, đóng góp cho tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thể chế, tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất để thúc đẩy các lĩnh vực hội nhập quốc tế; nỗ lực nội luật hóa các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước; chủ động nghiên cứu đề xuất và thực hiện các chính sách về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường để chủ động nâng cao năng lực nội tại của đất nước, nâng cao vị thế và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hợp tác quốc tế được các Bộ, ngành đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực qua các kênh hợp tác song phương, đa phương và phi chính phủ. Việt Nam đã tham gia tích cực mọi diễn đàn thế giới và khu vực, đóng góp và chủ trì nhiều sáng kiến quan trọng thúc đẩy xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030 và nhiều chương trình hợp tác toàn cầu và khu vực liên quan đến lao động, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN luôn được coi trọng, góp phần khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm qua việc chủ động, tích cực tham gia và phối hợp trong quá trình thành lập Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN và thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng đến năm 2025.
Sáu đặc điểm lớn của hội nhập quốc tế thời gian tới
Dự báo tình hình thế giới và khu vực đến năm 2030, bà Nguyễn Hương Trà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao cho biết: Có sáu đặc điểm lớn ảnh hưởng tới quá trình hội nhập quốc tế trong thời gian tới, bao gồm:
1. Hợp tác quốc tế sẽ rất khác giai đoạn trước đây do cấu trúc và định chế hợp tác an ninh – kinh tế đã khác trước rất nhiều, có tính chất lỏng lẻo hơn, đa dạng hơn về nội dung và tính chất hoạt động, do nhiều đối tượng khởi sướng với nhiều sáng kiến mới, tạo nên những cơ chế hợp tác mới.
2. Cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn ngày càng gay gắt và toàn diện, sâu rộng và nhiều chiều hơn.
3. Chuyển đổi hình thái toàn cầu hóa, trong đó có khu vực hóa.
4. Chủ thể tham gia hợp tác quốc tế rất đa dạng, không chỉ gói gọn trong các quốc gia có chủ quyền mà đã mở rộng ra rất nhiều, như các tập đoàn lớn, tổ chức chính trị - xã hội, thành phố lớn.
5. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, là nhân tố tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ nhất đối với hội nhập quốc tế, chi phối cục diện thế giới.
6. Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, đặc biệt là biến đổi khí hậu có tác động sâu rộng, nhiều chiều tới tất cả các quốc gia.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh kết luận Hội nghị
Để tận dụng những thời cơ, giải quyết nhưng tồn tại hạn chế và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đề nghị các Bộ, ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương hội nhập quốc tế, nâng cao nhận thức của các bên liên quan; thực hiện tốt các cam kết quốc tế, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật hiệu quả để nâng cao nội lực, phòng, chống các tác động tiêu cực từ hội nhập quốc tế;  tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực bên ngoài và thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với sự phát triển chung của khu vực và thế giới. Tiếp tục phối hợp tích cực với các Bộ, ngành trong đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do, đảm bảo phát triển bền vững.
Đức Anh