Lao động
TP.HCM: Doanh nghiệp “gặp khó” trong tuyển dụng nhân lực
09:46 PM 29/06/2024
(LĐXH) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế TP.HCM tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động, tuy nhiên do nguồn “cung” lao động hạn chế dẫn đến việc doanh nghiệp khó tuyển dụng đủ lao động theo nhu cầu.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hình thức trực tuyến tại Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động. Trong đó, có các hoạt động kết nối việc làm giữa TP.HCM với các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn, thông qua phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng có sự liên thông, chia sẻ dữ liệu. Điều này giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm được việc làm phù hợp, doanh nghiệp cũng tuyển dụng được ứng viên theo yêu cầu, góp phần ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên, do do nguồn “cung” lao động hạn chế nên nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng thêm lao động vẫn gặp khó.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, qua khảo sát từ 654 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố thì có hơn 150 doanh nghiệp (chiếm 23,55%) trả lời gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động. Các ngành nghề khó tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung phần lớn vào các ngành: Bán buôn và bán lẻ; công nghiệp chế biến chế tạo; thông tin và truyền thông; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…

Một số lý do chủ yếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động là do nguồn “cung” lao động hạn chế, chỉ bằng khoảng ½ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; ngành đào tạo chưa phù hợp với vị trí tuyển dụng; lao động thiếu kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và năng lực thực hành ứng dụng vào công việc thấp; doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu về lương đối với lao động dự tuyển, không tìm được lao động vừa có chuyên môn cao vừa có ngoại ngữ lưu loát,…

Mới đây thông tin về tình hình tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm này cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã tiếp nhận đơn đặc hàng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp với 48.837 đầu việc. Tuy nhiên, qua thống kê, số lượng người đăng ký tìm việc tại Trung tâm, chỉ khoảng gần 9.000 lượt người.

Bên cạnh đó trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM còn thực hiện tiếp nhận của gần 4.000 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam (lao động chất lượng cao) vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/09/2023 của Chính phủ với hơn 9.200 vị trí tuyển dụng. Với mức lương trung bình là 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mới chỉ có 749 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển, nhưng chưa có người trúng tuyển vào các vị trí tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, nguyên nhân, một phần người lao động Việt Nam chất lượng cao chưa biết nhiều về thông tin này, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Nguyên nhân nữa, do yêu cầu của nhà tuyển dụng cao, khắc khe, cộng gộp nhiều yếu tố dẫn đến người lao động Việt Nam chưa tiếp cận được các vị trí việc làm đang tuyển dụng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, tình hình kinh tế của TP.HCM những tháng cuối năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cao. qua khảo sát, 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM cần khoảng từ 153.500 – 161.500 chỗ làm việc. Tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.

Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ cần khoảng từ 102.676 – 108.027 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng cần khoảng từ 50.701 – 53.343 chỗ làm việc, chiếm 33,03% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần khoảng từ 123 - 129 chỗ làm việc, chiếm 0,08%.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, cần khoảng từ  23.961 – 25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61%, trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%.

Nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ chủ yếu: cần khoảng từ 92.161 – 96.965 chỗ làm việc, chiếm 60,04%, trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 25,38%; vận tải, kho bãi chiếm 2,09%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,84%; thông tin và truyền thông chiếm 5,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,33%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 9,93%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 5,61%; giáo dục và đào tạo chiếm 1,85%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 0,83%.

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo cần khoảng từ 134.620 – 141.636 chỗ làm việc, chiếm 87,7% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%; cao đẳng chiếm 23,16%; trung cấp chiếm 21,72%; sơ cấp chiếm 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần khoảng từ 18.881 – 19.856 chỗ làm việc, chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,3% tổng nhu cầu nhân lực.

Trương Đăng